Kết quả này đã được dự đoán từ trước và tiến trình chính thức để kéo dài lệnh trừng phạt lên các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính của Nga sẽ bắt đầu vào đầu tuần sau.
EU ra lệnh trừng phạt Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và tiếp tục kéo dài thời gian trừng phạt khi Moscow ra mặt ủng hộ nhóm phiến quân li khai ở miền Đông Ukraine.
Mỗi lần, lệnh trừng phạt lại được gia hạn thêm 6 tháng khi Moscow tuyên bố không bao giờ trả lại Crimea, còn xung đột ở Ukraine không có dấu hiệu chấm dứt.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tỏ ra vui mừng trước quyết định này: "Tôi thật sự biết ơn sự kiên định thống nhất và đoàn kết của các lãnh đạo EU trong việc khôi phục toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của Ukraine, trong đó bao gồm Crimea".
Một tấm biển in hình Tổng thống Vladimir Putin được treo tại Crimea. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, một số người muốn tăng thời gian trừng phạt do lo ngại Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ giảm bớt áp lực cho Moscow. Ba Lan là một trong những thành viên EU muốn lệnh trừng phạt kéo dài hơn. Trong khi đó, Ý hiện đang là tiếng nói dẫn đầu trong việc kêu gọi tái thiết lập quan hệ kinh doanh với Moscow.
Quyết định này cũng được xem là một dấu hiệu với ông Trump, người bắt đầu tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20-1 và khiến EU lo ngại vì các lời hứa nối lại quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, trước các ống kính, những lãnh đạo EU tỏ ra thận trọng hơn khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết quyết định kéo dài được nhất trí "dựa trên tình hình hiện tại" chứ không phải nỗ lực để "đoán trước những gì tân tổng thống Mỹ có thể làm".
Bất kể những đe dọa hồi tháng 10 của một số lãnh đạo EU, khối liên minh này lại né tránh việc áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga về cuộc xung đột ở Syria.
Bình luận (0)