Trước đó, khoảng 15 quốc gia khác, chủ yếu là các quốc đảo nhỏ, cũng đã phê chuẩn văn kiện này.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon xúc động tuyên bố thỏa thuận sẽ định hình cuộc sống của tất cả thế hệ tương lai một cách sâu sắc, vào thời điểm cuộc sống của họ bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và trái đất đang trải qua giai đoạn nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay. Mô tả hiệp định là “giao ước mới cho tương lai”, ông Ban nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande chia sẻ thỏa thuận ở Paris là “giây phút cảm động, hiếm có trong cuộc đời của các chính trị gia và nhà lãnh đạo thế giới”.
Bầu không khí tại lễ ký thỏa thuận được đánh giá rất tích cực, thể hiện quyết tâm chính trị của các phái đoàn tham gia. Dù vậy, vẫn còn hàng loạt thách thức chờ đợi phía trước, như tranh cãi về tiền bạc hoặc việc thực hiện cam kết của các nước. Không những thế, một chiến thắng của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể khiến Washington rút khỏi thỏa thuận, đe dọa đến toàn bộ tiến trình trên. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) - chiếm chưa đến 10% lượng khí thải CO2 toàn cầu - sẽ mất nhiều thời gian để các thành viên phê chuẩn hiệp định.
Đã xuất hiện cảnh báo về những hậu quả khôn lường nếu nỗ lực cắt giảm khí thải không được đẩy nhanh. “Nếu chúng ta đã chứng kiến làn sóng người tị nạn Syria, hãy sẵn sàng chờ đón những người tị nạn khí hậu. Điều này còn tồi tệ hơn nhiều” - Chủ tịch Nhóm Các nước kém phát triển nhất, ông Tosi Mpan-Mpanu, lo ngại.
Bình luận (0)