Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay tại lễ tưởng niệm ông Nelson Mandela hồi cuối năm 2013. Ảnh: AP
Việc khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Mỹ và Cuba có thể coi là khởi đầu của sự tan băng trong quan hệ giữa hai nước nhưng con đường phía trước vẫn chồng chất những trở ngại.
Con đường không dễ đi
Lệnh cấm vận đối với Cuba đã được ban hành trong đạo luật Helms-Burton năm 1996 nhằm cấm các công ty Mỹ làm ăn với Cuba và cấm người Mỹ tới thăm nước này.
Khi đã được ban hành như luật, chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền thay đổi. Song sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa ở cả Thượng viện Và Hạ viện sẽ khiến cơ hội dỡ bỏ trừng phạt đối với Cuba gần như bằng không.
Theo Reuters, thay vì thông qua Quốc hội, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ dùng quyền dụng quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất để nới lỏng các hạn chế ở một số lĩnh vực thương mại, du lịch và ngân hàng để cho phép người Mỹ gốc Cuba gởi tiền về quê nhà.
Mặc dù được chờ đợi từ nhiều thập kỉ qua, nhưng dư luận Mỹ vẫn không khỏi bất ngờ với thông báo ngày 17-12 của Tổng thống Mỹ Barack Obama về quyết định tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba, trong đó có việc thiết lập Đại sứ quán tại Havana, hối thúc Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh bao vây phòng tỏa quốc đảo này trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bên cạnh sự hoan nghênh của không ít người Mỹ đối với bước tiến lịch sử này, vẫn có những ý kiến trái chiều tỏ ra không ủng hộ. Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ phản đối gay gắt quyết định này của ông chủ Nhà Trắng, đồng thời cảnh báo Quốc hội sẽ không cho phép các nỗ lực dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Cuba.
"Không bao giờ chấp nhận"
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio gọi thỏa thuận đạt được giữ ông Obama và chủ tịch Cuba là “ngây ngô’” và “không thể giải thích được”.
“Nhà Trắng nhận phần thiệt thòi mà chẳng gặt hái được gì” – vị nghị sỹ gốc Cuba này nói với báo giới.
Khi được hỏi Quốc hội sẽ hành động ra sao đối với việc dỡ bỏ hạn chế kinh tế kéo dài nửa thế kỉ qua đối với Cuba, ông Rubio nhấn mạnh: “Quốc hội sẽ không đời nào dỡ bỏ cấm vận”.
Chủ tịch hạ viện Mỹ John Boehner cũng lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ, gọi đó là “một việc nữa trong một chuỗi hành động thiếu suy nghĩ của ông Obama”.
Trong khi đó, Chủ tịch ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Robert Menendez cũng lên tiếng thể hiện sự không đồng tình với hành động của ông Obama. Ông Menendez tỏ ra không hài lòng với thỏa thuận trao đổi tù nhân đối với việc thả tự do cho một người Cuba làm gián điệp cho Washington và một nhân viên hoạt động nhân đạo bị bỏ tù ở Cuba để đối lấy sự tự do của 3 điệp viên Cuba.
Giới chức Nhà Trắng cho biết trước khi thông báo quyết định lịch sử này hôm 17-12, Tổng thống Obama đã có cuộc đàm thoại kéo dài gần 1 giờ với Chủ tịch Cuba Raul Castro. Quyết định được đưa ra sau khi Cuba trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross bị giam giữ tại Cuba 5 năm qua và một điệp viên người Cuba làm việc cho chính phủ Mỹ bị bắt giữ từ cách đây 20 năm. Đổi lại Mỹ cũng đã phóng thích 3 điệp viên của Cuba bị giam giữ ở Mỹ.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh sự ủng hộ trong cộng đồng người Cuba ở Mỹ đối với việc bình thường quan hệ và bãi bỏ cấm vận chống Cuba đang có bước chuyển biến tích cực. Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy hiện có khoảng 60% người Mỹ gốc Cuba được hỏi ý kiến củng hộ việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba, riêng giới trẻ có tới 90% ủng hộ. Trong khi đó, cách đây hơn 30 năm, kết quả thăm dò cho thấy có tới 87% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ các biện pháp bao vây phong tỏa.
Bình luận (0)