Mỗi ca nhiễm mang đến cơ hội đột biến cho virus và Omicron có một lợi thế so với những biến thể trước đây: Nó lây lan nhanh hơn nhiều dù miễn dịch và tỉ lệ tiêm phòng đã gia tăng trên toàn thế giới.
Giới chuyên gia không biết những biến thể tiếp theo sẽ hành xử như thế nào và chúng sẽ định hình cuộc chiến chống Covid-19 ra sao. Dù vậy, họ khẳng định không có gì đảm bảo chúng sẽ gây ra những ca nhiễm ít nghiêm trọng hơn hoặc vắc-xin hiện hành có thể chống lại chúng.
"Omicron lây nhiễm càng nhanh, virus càng có nhiều cơ hộ để đột biến, dẫn đến nhiều biến thể mới" – chuyên gia Leonardo Martinez của Trường ĐH Boston (Mỹ) nhấn mạnh, đồng thời hối thúc thế giới gia tăng tỉ lệ tiêm phòng.
Omicron có thể trở thành thể trội trên toàn thế giới trong năm nay. Ảnh: Reuters
Kể từ khi xuất hiện vào giữa tháng 11-2021, Omicron lây lan "như lửa gặp cỏ khô" trên khắp thế giới. Nghiên cứu cho thấy Omicron có khả năng lây nhiễm nhanh hơn Delta ít nhất 2 lần, hơn thể ban đầu ít nhất 4 lần.
Không chỉ tấn công những người chưa tiêm phòng, Omicron còn làm gia tăng rủi ro lây nhiễm ở những trường hợp mắc Covid-19 đã được chữa khỏi và những trường hợp đã được tiêm phòng đầy đủ, còn được gọi là "ca nhiễm đột phá".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết thế giới ghi nhận thêm 15 triệu ca nhiễm từ ngày 3-1 đến ngày 9-1, tăng 55% so với tuần trước đó và là mức tăng cao chưa từng thấy sau 7 ngày.
Với việc Omicron dường như gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với Delta, giới chuyên gia hy vọng đây có thể là điểm khởi đầu của một xu hướng đột biến mà trong đó, biến thể mới gây ra những ca nhiễm ngày càng nhẹ.
Giới khoa học kêu gọi đẩy mạnh tiêm phòng Covid-19 để ngăn virus lây lan và đột biến. Ảnh: Reuters
Kịch bản này có thể khả thi nhưng cũng cần lưu ý rằng không phải lúc nào virus cũng ít nguy hiểm hơn theo thời gian, chuyên gia Stuart Campbell Ray của Trường ĐH John Hopkins (Mỹ) khẳng định.
Khả năng né tránh miễn dịch tốt hơn giúp virus sinh tồn trong một quãng thời gian dài. Khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 xuất hiện lần đầu, không ai có miễn dịch. Tuy nhiên, cùng với các ca nhiễm, vắc-xin Covid-19 đã mang đến mức độ miễn dịch nhất định cho phần lớn thế giới.
Điều này buộc virus thích ứng để sinh tồn. Chúng có thể lây nhiễm sang động vật, đột biến và trở lại tấn công con người, kể cả những người đã được tiêm phòng. Ngoài ra, với việc Omicron và Delta lây lan cùng lúc, con người có thể mắc "ca nhiễm kép" dẫn đến điều ông Ray mô tả là "biến thể lai".
Không có gì đảm bảo Omicron là biến thể đáng lo ngại cuối cùng trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)