Cuộc tranh luận về câu nói này từng diễn ra cách đây 30-40 năm và gây nhiều lo ngại. Tuy nhiên, trái với dự đoán của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, thu nhập và mức sống của người Úc hiện vẫn cao hơn hầu hết các nước láng giềng châu Á. Vào đầu những năm 1980, Úc đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhưng nay đứng thứ 10 hoặc 11.
Vậy nếu không có thêm các thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề thương mại và chính sách, Úc có thật sự trở thành "rác thải da trắng tội nghiệp" hay không?
Kinh tế Úc đã giảm 7% trong quý 2, gây ra cuộc suy thoái đầu tiên kể từ đầu những năm 1990. Ảnh: EPA
GS John Quiggin, nhà kinh tế học người Úc và là thành viên của Liên đoàn Hội đồng Nghiên cứu Úc, nhận định lĩnh vực xuất khẩu của Úc gặp nguy cơ rõ ràng, đặc biệt là quặng sắt, mặt hàng xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Úc và chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Riêng điều này thì thật sự là vấn đề lớn. Úc xuất khẩu quặng sắt trị giá hơn 100 tỉ AUD/năm (tương đương 72,7 tỉ USD/năm) nhưng số tiền này không quy thành thu nhập của phần đông người dân Úc.
Ngành công nghiệp khai thác ở Tây Úc sử dụng khoảng 100.000 lao động, chưa đến 1% lực lượng lao động của Úc. Mức lương của họ vào khoảng 10 tỉ AUD/năm. Ngoài ra, các công ty khai thác quặng sắt lớn phải trả khoảng 15 tỉ AUD/năm thuế tài nguyên và thuế công ty. Dòng thu nhập trong ngành công nghiệp này chiếm khoảng 1% tổng thu nhập quốc dân Úc.
Phần lớn doanh thu còn lại của ngành này đổ ra nước ngoài, để chi trả cho thiết bị nhập khẩu hoặc trả lại cho những người nắm giữ trái phiếu và cổ đông ở nước ngoài.
Thậm chí, khi Trung Quốc đóng cửa thị trường đối với Úc, Canberra vẫn sẽ có những khách hàng khác. Nếu Trung Quốc mua nhiều quặng sắt từ các nhà sản xuất khác như Brazil thì sẽ còn ít quặng sắt Brazil trên thị trường dành cho các khách hàng khác và những khách hàng này chuyển sang mua quặng sắt của Úc.
Trong trường hợp lượng quặng sắt xuất khẩu của Úc giảm đi, đồng AUD sẽ giảm giá, dẫn đến các mặt hàng xuất khẩu khác của Canberra trở nên hấp dẫn hơn. Điều tương tự có thể xảy ra với các mặt hàng xuất khẩu khác sang Trung Quốc, gồm du lịch và giáo dục Úc.
Tuy nhiên, theo ông Quiggin, điều đó không có nghĩa là Úc có thể tự ru ngủ về rủi ro đổ vỡ trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Sự mất mát 2-3% thu nhập quốc dân có thể so sánh với tác động của một cuộc suy thoái và sẽ kéo theo nhiều gián đoạn kinh tế kèm thất nghiệp.
Theo GS Quiggin, việc mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ khiến Úc nghèo đi một chút chứ không khiến Úc trở thành "rác thải da trắng nghèo nàn của châu Á", không phải bây giờ hay bất cứ lúc nào.
Bình luận (0)