Hôm 18-9, báo The Straits Times dẫn lời TS Li Nan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á (EAI – Singapore), nói rằng việc từ bỏ "đường lưỡi bò" sẽ tăng cường sức mạnh mềm, thúc đẩy lợi ích và giúp Trung Quốc giữ bạn bè trong khối ASEAN.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến về tranh chấp hàng hải do EAI và Viện Yusof Ishak tổ chức, TS Li cho biết đây là thời điểm để Bắc Kinh từ bỏ "đường lưỡi bò" ở biển Đông.
Đường chín đoạn của Trung Quốc trái với luật biển quốc tế nhưng lại được nước này sử dụng để tuyên bố chủ quyền vùng biển kéo dài đến tận xung quanh quần đảo Natuna - Indonesia, là tâm điểm của tranh chấp giữa Trung Quốc và Indonesia.
Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông. Ảnh: DPA
Theo TS Li, lực lượng hải cảnh Trung Quốc bảo vệ đường chín đoạn, gây ra tất cả vấn đề với các quốc gia ven biển liên quan tới tranh chấp ở biển Đông. Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ bỏ đường chín đoạn, họ có thể đối mặt với phản ứng dữ dội từ nhiều phía, bao gồm Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Ý kiến của TS Li vấp phải phản ứng từ TS Le Hong Hiep, thành viên ISEAS - Viện Yusof Ishak. Ông Hiep nói: "Trung Quốc đã xóa hai đường gạch nhưng vào năm 2010, họ đã thêm một đường gạch khác ở biển Hoa Đông. Vì vậy, tôi không chắc liệu Trung Quốc có thực sự từ bỏ đường chín đoạn hay không. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với TS Li rằng nếu Trung Quốc bỏ hoàn toàn đường chín đoạn, đó sẽ là một ý tưởng tuyệt vời và tốt cho sức mạnh mềm của Trung Quốc".
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague – Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở biển Đông sau khi Philippines đưa vụ việc ra tòa. Tháng 7 năm nay, Mỹ hậu thuẫn phán quyết trên song Trung Quốc phớt lờ.
Trong khi đó, hầu hết học giả tham gia hội thảo đều nhất trí rằng ASEAN và Trung Quốc chưa thể ban hành hướng dẫn Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (CoC) vào hạn chót cuối năm tới do đại dịch Covid-19.
Bình luận (0)