Cũng giống như ông Fidel - người từng lãnh đạo Cuba suốt nửa thế kỷ- trên thế giới có nhiều vị lãnh đạo trường thọ thực sự, cả về tuổi đời lẫn thời gian cầm quyền và tiếng nói của họ vẫn được cả thế giới lắng nghe.
Trước hết, phải kể đến Nữ hoàng Anh Elizabeth II, 89 tuổi, với 63 năm ngồi trên ngai vàng và Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, 88 tuổi, với 69 năm trị vì.
Một số cựu lãnh đạo khác đã bước qua hoặc mấp mé ngưỡng tuổi 90 cũng gia tăng thái độ phê phán Mỹ như ông Fidel. Trong số họ có cả cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, 90 tuổi. “Mỹ là đất nước tài phiệt, hoàn toàn không phải dân chủ. Bây giờ, chỉ có các nhà tài phiệt quyết định đưa ai ra tranh cử và bầu ai làm tổng thống” - ông Carter tuyên bố gần đây.
Theo ông, nước Mỹ đã biến thành cái chợ, nơi có thể mua cả quyết sách chính trị lẫn chính trị gia và các nhà tài phiệt hài lòng với điều đó. Theo báo Vzglyad, chính Tổng thống Barack Obama vừa qua phải thú nhận nền dân chủ ở Mỹ có một loạt vấn đề về hệ thống.
Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt, 96 tuổi và cựu Tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing, 89 tuổi, không ưa kiểu cách “quan thầy” của Mỹ trong các sự việc quốc tế. Ngoài ra, 2 ông còn lên án lệnh trừng phạt và âm mưu phong tỏa Nga của phương Tây dù họ từng đứng đầu 2 nước NATO trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và phương Tây.
Dĩ nhiên, không phải tất cả cựu lãnh đạo cao niên đều công khai quan điểm riêng. Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, 89 tuổi, hiếm khi lên tiếng song trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Thượng Hải hồi tháng 5 năm nay, ông thể hiện sự ủng hộ dành cho Nga trong cuộc xung đột với Mỹ.
Bình luận (0)