Các nhà khoa học tại một số viện nghiên cứu trên thế giới hôm 3-4 cảnh báo khả năng phát hiện loại virus cúm gia cầm mới H7N9 còn khó hơn virus H5N1 vì nó dường như đang lây nhiễm cho một số gia cầm mà không gây ra những triệu chứng có thể nhận thấy. Đáng lo hơn, H7N9 dường như đã biến đổi gien để có thể lây lan sang những động vật khác dễ dàng hơn, như heo. Những động vật này có thể trở thành vật chủ để phát tán virus rộng khắp hơn trong cộng đồng người.
Chưa rõ nguồn lây nhiễm
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh H7N9 đã làm 10 người bị bệnh ở Trung Quốc, trong đó 3 người đã tử vong tính đến ngày 4-4. Hiện chưa rõ những người này nhiễm virus như thế nào nhưng không có bằng chứng cho thấy virus dễ dàng lây lan giữa người với người. Dù vậy, theo hãng tin Reuters, Bắc Kinh vẫn chưa tìm thấy bất kỳ động vật nào nhiễm H7N9 nên nguồn gốc lây nhiễm vẫn còn là một bí ẩn.
Ngay sau khi xuất hiện những trường hợp nhiễm H7N9 đầu tiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã chia sẻ chuỗi gien của virus này cho các nhà khoa học khắp thế giới để giúp tìm hiểu xem nó hoạt động ra sao ở những loài vật và trong những tình huống khác nhau. Kết quả ban đầu cho thấy H7N9 rõ ràng có thể lây lan thầm lặng giữa gia cầm mà không khiến chúng bị bệnh khiến việc lần ra chúng trở nên khó khăn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu không có hiện tượng gia cầm chết hàng loạt, nhà chức trách có thể gặp thách thức trong việc tìm ra nguồn lây nhiễm và ngăn chặn sự lây lan. Ông Malik Peiris, nhà vi trùng học làm việc tại Đại học Hồng Kông, lo ngại rằng H7N9 sẽ là vấn đề lớn hơn H5N1 nếu nó tiếp tục lây lan ở Trung Quốc và sang các nước, vùng lãnh thổ bên ngoài bởi với H5N1, người ta còn thấy hiện tượng gia cầm chết.
WHO trấn an
Một số nhà khoa học cho biết chuỗi gien đã làm tăng nỗi lo về nguy cơ bùng phát một đại dịch dù hiện vẫn chưa thể xác định nguy cơ này lớn đến đâu. Richard Webby, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về cúm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Bệnh viện Nghiên cứu trẻ em St. Jude - Mỹ, nhận định: “Tại giai đoạn này, H7N9 vẫn chưa thể gây đại dịch. Dù vậy, chúng ta cần quan tâm đến nguy cơ này”. Tiến sĩ Masato Tashiro, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cúm của WHO tại Tokyo - Nhật Bản, nhận định: “Đánh giá bước đầu là virus này có khả năng gây dịch bệnh. Nó vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với cơ thể con người nhưng các yếu tố quan trọng đã thay đổi”.
Dù vậy, người phát ngôn của WHO Fadela Chaib đã lên tiếng trấn an rằng cho đến giờ vẫn chưa có bằng chứng H7N9 lây từ người sang người. Người phát ngôn này cho biết do tình trạng thiếu kiến thức về H7N9 trong cộng đồng nên WHO sẽ hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh để bảo đảm khống chế hiệu quả virus chết chóc này.
Hồng Kông, Nhật Bản tăng cường giám sát Các nước và vùng lãnh thổ gần Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp nhằm đối phó nguy cơ lây lan của virus H7N9. Tại Hồng Kông, mọi hành khách trên những chuyến bay ra vào nơi này đều được yêu cầu thông báo với phi hành đoàn và nhân viên sân bay nếu cảm thấy không khỏe.
Nhà chức trách Hồng Kông còn tăng cường giám sát các trang trại gia cầm ở địa phương, tiến hành các đợt tiêm chủng gia cầm và ngưng nhập khẩu gia cầm sống từ Trung Quốc. Trong khi đó, các sân bay ở Nhật Bản đã khuyến cáo mọi hành khách đến từ Trung Quốc tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu nghi mình bị cúm gia cầm. |
Bình luận (0)