Trung Quốc có 380 triệu người dùng internet. Ảnh: Rediff
Nhật báo Pháp Le Figaro cho biết “hắc khách” yêu nước Trung Quốc – còn gọi là “hồng khách” để phân biệt với “hắc khách” - bắt đầu lộ diện trong những năm cuối thập niên 1990. Lúc sơ khai, nòng cốt của lực lượng tin tặc này là Liên minh Hắc khách Đỏ và bang Ưng điểu Trung Quốc với hàng ngàn thành viên.
Chiến tích đầu tiên “lẫy lừng” nhất của “hồng khách” Trung Quốc là đột nhập các hệ thống mạng nước Mỹ sau khi máy bay Mỹ thuộc lực lượng NATO ném bom “lầm” tòa đại sứ Trung Quốc ở Belgrade, thủ đô Serbia, trong khuôn khổ cuộc chiến ở Kosovo năm 1999.
Lời trần tình của một “hồng khách”
Hai năm sau, các “hồng khách” lại có dịp phô trương sức mạnh bằng những cuộc tấn công tới tấp vào các trang web Chính phủ Mỹ, kể cả Nhà Trắng.
Lý do: Ngày 1-4-2001, một chiếc máy bay thám thính Mỹ đâm vào máy bay chiến đấu F-8 của Trung Quốc gần nước này. Hậu quả, phi công Trung Quốc thiệt mạng, còn máy bay Mỹ “bể đầu sứt trán” phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Toàn bộ phi hành đoàn Mỹ bị bắt giữ và sau đó được thả.
Trên nhật báo Hồng Kông Bưu điện Hoa Nam buổi sáng số ra ngày 19-1-2010, một “hồng khách” có nickname Lyon tự xưng là ủy viên ban chấp hành bang “hồng khách” Trung Quốc nói y từng tham gia chiến dịch chống đế quốc Mỹ kể trên. Lyon cho biết thêm bang của y ra đời sau sự kiện đụng máy bay năm 2001 và hiện nay có khoảng 12.000 thành viên.
Theo Lyon, khi đụng chuyện, tùy theo đối tượng mà bang của y ra tay. Ví dụ như các thành viên trong bang từng tấn công mãnh liệt các trang web Chính phủ Iran sau khi tổ chức “Quân đội mạng Iran” tấn công mạng Baidu của Trung Quốc vì cư dân mạng nước này ủng hộ phe chống chính phủ Iran.
Trái lại, vụ tấn công mạng Google trong mấy năm gần đây, theo Lyon, bang “hồng khách” Trung Quốc không tham gia vì tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức riêng của bang. Lyon cũng nhấn mạnh rằng bang của y là một tổ chức độc lập.
Tuy nhiên, cũng chính Lyon thừa nhận rằng từng giúp các trang web chính thức của chính quyền cải thiện an ninh mạng. Nhiều thành viên của bang đã mở công ty an ninh mạng phục vụ lợi ích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Trên đây là một trong những tiết lộ hiếm hoi cho thấy mối liên hệ giữa “hồng khách” và PLA. Trong nhiều trường hợp khác, các “hồng khách” phủ nhận mọi liên hệ với chính quyền Bắc Kinh.
Một trang web của chính phủ Iran bị Zhenker, một “hồng khách” Trung Quốc, đột nhập. Ảnh: Heike
Quán quân thế giới
Theo các tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia máy tính phương Tây, lực lượng “hồng khách” hiện nay vào khoảng 250.000 đến 300.000 người. Con số này gia tăng từng ngày bởi viện nghiên cứu của Bộ Công an thường xuyên tuyển mộ “hồng khách” trong số 384 triệu người sử dụng internet ở Trung Quốc.
Công an các nước trên thế giới như Mỹ, Israel, Pháp… cũng từng tuyển mộ tin tặc yêu nước nhưng mức độ không thể sánh bằng Trung Quốc.
Tháng 6-2009, các chuyên gia của Kaspersky Lab, một công ty tư nhân Nga về an ninh mạng, đã lập danh sách “Top 5 quốc gia sản xuất hiểm họa tội phạm mạng thông qua việc lây nhiễm virus máy tính”.
Ngôi vị quán quân thuộc về Trung Quốc với 51,41% những vụ tấn công máy tính bằng virus trên thế giới, vượt xa Nga (5,92%), Mỹ (4,86%) và Ấn Độ (3,34%).
Mặc dù có nhiều tranh cãi về danh sách nói trên, những số liệu, cùng với kết quả các nghiên cứu khác cho thấy rõ ràng mức tăng trưởng rất nhanh của Trung Quốc trong lĩnh vực đột nhập tấn công máy tính nhằm nhiều mục đích khác nhau. Theo Treat Expert, gần 1/3 phần mềm độc hại (malware) lan truyền khắp thế giới có nguồn gốc Trung Quốc.
Dấu ấn chính quyền
Từ tháng 6 đến tháng 9-2007, 5 nước phương Tây là Mỹ, Đức, Anh, Pháp và New Zealand đồng loạt lên tiếng nhiều hệ thống máy tính của họ bị “hồng khách” Trung Quốc tấn công liên tục.
Tuy nhiên, không chính phủ nào chính thức cáo buộc chính quyền Bắc Kinh vì không bắt được “tận tay, day tận trán”. Vả lại, họ cũng sợ gây hậu quả nghiêm trọng về ngoại giao.
Tuy vậy, nhiều cơ quan tình báo phương Tây tỏ ra không nghi ngờ gì về vai trò tích cực của PLA trong những vụ tấn công nói trên. Đáng nghi nhất là Cục 3 của PLA chuyên về chiến tranh điện tử.
Thật ra, không dễ liên hệ giữa Cục 3 với “hồng khách” nhưng họ cho rằng Cục 3 đang quản lý khoảng 20.000 “hồng khách” thông qua mạng lưới hàng chục trường đại học và viện nghiên cứu của khối dân sự và quân sự trực thuộc Bộ Công an.
Một yếu tố khác khiến các nước phương Tây nghi ngờ chính quyền Bắc Kinh có vai trò nhất định đối với “hồng khách” mặc dù không phải “hồng khách” nào cũng làm việc cho chính quyền. Đó là công tác quản lý mạng internet hết sức chặt chẽ của Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện có 9 công ty, trong đó nổi cộm hơn hết là ChinaNet, cung cấp 80% dịch vụ internet trong nước. Tất cả đều thuộc quyền quản lý của Bộ Công nghiệp và Thông tin.
Một số công ty nước ngoài như Cisco Systems (Mỹ) chỉ có thể hoạt động với điều kiện hợp tác với chính quyền. Ai sai phạm tức thì có “cảnh sát mạng” can thiệp và xử lý.
Bình luận (0)