Số liệu trên do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải công bố năm 2005. Bà Mara Hvistendahl, một chuyên gia về an ninh khu vực châu Á, sống ở Thượng Hải hơn 4 năm nay, cho biết thêm: “Hắc khách” Trung Hoa lục địa có mặt ở khắp nơi. Từ hiện tượng, “hắc khách” trở thành một thứ văn hóa mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc mà lắm lúc được đẩy lên mức cực đoan.
Trăm hoa đua nở
Năm 2004, Scott Henderson, 46 tuổi, vừa nghỉ hưu non sau mấy chục năm làm chuyên gia về ngôn ngữ cho quân đội Mỹ đã tìm được việc làm ngay. Henderson rất giỏi tiếng Bắc Kinh lại có vợ là người Đài Loan.
Một nhà thầu tình báo tư nhân ở Fort Leavenworth, bang Kansas, Mỹ, thuê ông làm báo cáo về tin tặc Trung Quốc. Nhiệm vụ của Henderson là thu thập cho công ty những “thông tin tình báo mở”, nghĩa là những thông tin công khai.
Bàn làm việc của Henderson là một căn phòng nhìn xuống căn cứ quân sự Fort Leavenworth. Công cụ tìm kiếm vẫn là trang web Google lừng danh trong thế giới cư dân mạng.
Gõ hai từ tiếng Hoa heike (“hắc khách”), Henderson không có mấy hy vọng tìm được gì nhiều ngoài những bài báo được xào tới xào lui của phương Tây viết về tin tặc Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi nhấn phím enter, hàng ngàn trang web đại loại như hackbase.com, hacker123.com, hack8.cn… tràn đầy màn hình máy tính.
Henderson nhanh chóng nhận ra rằng mỗi trang web là đại bản doanh của một tổ chức “hắc khách”, kèm theo nhật ký “hắc khách”, địa chỉ liên hệ và diễn đàn rất xôm tụ.
Chuyên gia Scott Henderson. Ảnh: POPSCI
Đặc biệt, mỗi trang web đều có “phòng truyền thống” khoe những chiến tích kèm hình ảnh tư liệu, đính kèm địa chỉ e-mail, đường URL, thậm chí số điện thoại di động của tác giả. Trong vòng 3 phút, Henderson thu thập được một lượng thông tin khổng lồ.
Trong mấy tháng sau đó, Henderson cố gắng phân tích, tìm hiểu ý nghĩa ẩn giấu đằng sau đống dữ liệu ngồn ngộn thông tin. Ông dùng chương trình máy tính i2 để phác thảo mạng lưới nối kết mấy trăm trang web lại với nhau.
Sau nhiều ngày tính toán, Henderson đi tới một kết luận sơ khởi: Có ít nhất 380.000 “hắc khách” xuất hiện thường xuyên trên mạng thuộc nhiều dạng.
Có những câu lạc bộ “hắc khách” các thành viên gặp nhau offline thường xuyên. Có những tổ chức phù du thoắt ẩn, thoắt hiện trong vòng vài tuần. Có cả mấy tổ chức “hắc khách nhí”, “hắc khách mỹ nữ”, “hắc khách tiềm năng”. Một số tổ chức có nhạc hiệu riêng.
Thế chiến tin tặc thứ nhất
Henderson nhận định: “Thoạt nhìn, các tổ chức này không phải là sản phẩm của nhà nước. Tuy nhiên, nếu họ thuộc dạng tổ chức bí mật của chính quyền thì đây là những tổ chức của chính quyền bí mật nhất thế giới”.
“Hắc khách” Trung Quốc hoạt động theo nhóm nhỏ. Nhưng nếu có sự kiện gì lớn như vụ máy bay thám thính Mỹ EP-3E đụng máy bay chiến đấu F-8 Trung Quốc ngày 1-4-2001 phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam khiến viên phi công Trung Quốc thiệt mạng, lập tức các nhóm liên kết lại bàn bạc kế hoạch tấn công đối thủ.
Trong vụ việc này, các nhóm “hắc khách” Trung Quốc thành lập Liên minh Hắc khách đỏ. Một tháng sau, lúc 8 giờ ngày 4-5-2001, nhân viên Nhà Trắng không thể truy cập trang web Nhà Trắng.
Máy bay thám thính hải quân Mỹ EP-3E tại sân bay Hải Nam sau khi đụng F-8 Trung Quốc. Ảnh: Tư liệu US Navy
Nó đã bị “hắc khách” Trung Quốc tấn công đánh sập máy chủ theo phương thức DDoS (từ chối dịch vụ truy cập). Cùng một lúc, các máy chủ trang web của hải quân, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ Mỹ và nhiều trang web của các cơ quan liên bang khác Mỹ cũng bị nghẽn mạch bởi DDoS.
Một số trang web của Bộ Nội vụ còn bị dán câu “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Trang web của Bộ Lao động hiện rõ mồn một câu “Ta là người Trung Quốc”.
Đây không phải là lần đầu tiên các trang web của chính quyền Mỹ bị tin tặc tấn công nhưng đó là lần tấn công có quy mô lớn nhất. Mô tả vụ tấn công đồng loạt này, nhật báo The New York Times nhận định: “Đây là thế chiến tin tặc thứ nhất”.
Lằn ranh công tư mơ hồ
Yếu tố đoàn kết mạnh mẽ nhất các “hắc khách” Trung Quốc là chủ nghĩa dân tộc. Năm 2005, trong một bài báo đăng trên nhật báo Hồng Kông Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, một người tự xưng là “Bố già hắc khách” giải thích: “Không giống như phương Tây mà phần lớn tin tặc hoạt động đơn lẻ hoặc thuộc thành phần vô chính phủ, chúng tôi - “hắc khách” Trung Quốc - quan tâm nhiều đến chính trị vì đa số rất trẻ, đầy nhiệt huyết và yêu nước”.
Nghiên cứu sâu hiện tượng “hắc khách” Trung Quốc, Henderson nói ông không tìm thấy mối quan hệ trực tiếp giữa chính quyền Bắc Kinh và các tổ chức “hắc khách”. Tuy vậy, ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa công dân và chính quyền ở Trung Quốc rất linh hoạt.
Chính quyền Trung Quốc chủ trương không đụng tới “hắc khách” nếu họ không gây án ở Trung Quốc. Theo Henderson, trong thực tế đã hình thành một hình thức hợp tác giữa chính quyền và công dân “hắc khách”.
Ông Khâu Lâm Xuyên, giáo sư về truyền thông Trường Đại học Hồng Kông, đồng ý với nhận định trên của Henderson: “Tin tặc Mỹ muốn thay đổi xã hội, còn tin tặc Trung Quốc gần gũi với chính quyền.
Sự khác biệt giữa tư và công rất nhỏ”. Là một doanh nhân gốc Hoa trở về nước từ thung lũng Silicon nổi tiếng của Mỹ, ông Khâu cho biết quân đội Trung Quốc thuê rất dễ dàng “hắc khách” trong nước viết các phần mềm và virus để sử dụng vào các mục đích quân sự và tình báo.
Kỳ tới: Những lò luyện “hắc khách”
Bình luận (0)