Robert Mugabe lần đầu gặp người vợ đầu Sally Hayfron, một phụ nữ người Ghana, vào năm 1958 khi cả hai đang dạy học tại một trường cao đẳng ở Ghana. Khi hai người mới gặp nhau, bạn bè họ nói rằng hai người như đến từ hai thế giới cách biệt.
Người vợ đầu – người đồng chí Sally Hayfron
Mugabe xuất thân trong một gia đình nghèo khó, bố ông đã bỏ rơi ông và mẹ ông vào năm 1934 để đi mưu sinh tại Bulawayo, thành phố lớn thứ hai Zimbabwe (khi đó còn là nước Cộng hòa Rhodesia). Trong khi đó, gia đình Hayfron lại có quan hệ gắn kết với Thủ tướng Ghana đương nhiệm khi đó là Kwame Nkrumh.
Ở trường cao đẳng, Mugabe được biết đến như một kẻ cô độc và một "con mọt sách" trong khi Sally lại nổi tiếng xinh đẹp và năng động. Tính cách trái ngược nhưng quan điểm chính trị của họ lại rất tương đồng. Không lâu sau khi hẹn hò, Mugabe đưa bà về giới thiệu với mẹ ông. Kết quả là năm 1960, Sally chính thức trở thành "bà Mugabe" sau hôn lễ tại một nhà thờ nhỏ ở Harare - thủ đô của Zimbabwe.
Hai vợ chồng Mugabe đều mong muốn một đất nước Zimbabwe (khi đó còn là nước Cộng hòa Rhodesia) tự do nên đã liên kết với phong trào vận động đòi độc lập ở Rhodesia nhưng cả hai đều phải trả giá đắt.
Robert Mugabe bên người vợ đầu Sally Hayfron
Những hoạt động tuyên truyền chính trị khiến ông Mugabe bị chính phủ Rhodesia tuyên án 10 năm tù. Sau khi chồng bị bỏ tù, bà Sally vẫn ủng hộ và tiếp tục công việc của chồng nhưng sau đó chính bà cũng bị kết án 5 năm tù do tham gia biểu tình chống sự cai trị của người da trắng. Tuy nhiên, bà được hoãn thi hành án tù và đến năm 1963 khi tình hình chính trị trở nên căng thẳng, bà quyết định chạy về Ghana và sau đó sang Anh.
Tại Anh, bà Sally làm thư ký cho trung tâm Africa Centre ở quận Covent Garden trong khi vẫn tiếp tục ủng hộ chồng. Khi đó ông Mugabe vẫn còn bị giam nhưng đã tận dụng thời gian ngồi tù để tự học tập thêm.
Đến năm 1970, ông Mugabe phát hiện ra việc chính phủ Anh đang lên kế hoạch trục xuất vợ ông do visa của bà đã hết hạn. Điều này đã khiến cơn giận của ông lên đến đỉnh điểm và khiến ông căm ghét mọi thứ liên quan đến nước Anh.
Trong một lá thư gửi tới phố Downing, nơi Thủ tướng Anh Harold Wilson đang đương nhiệm, Mugabe viết: "Tôi đặt ra những câu hỏi này, thưa ngài thủ tướng, vì tôi thấy rõ rằng Văn phòng Chính phủ đang áp dụng các biện pháp pháp lý hoàn toàn phi đạo đức".
Động thái này của ông Mugabe không lay chuyển được Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là ông Reginald Maudlingt. Thế nhưng, trong một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ sau đó với một bản kiến nghị được ký bởi hơn 400 nghị sĩ, chính phủ Anh cuối cùng đã phải cho phép Sally Mugabe ở lại. Đó là biến cố mà Robert Mugabe không bao giờ quên.
Sau khi được trả tự do năm 1975 và tái ngộ với vợ ở Mozambique, Robert Mugabe đã lãnh đạo của Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU) trong cuộc chiến tranh chống lại cộng đồng da trắng cầm quyền ở Rhodesia (1964–1979) để đòi độc lập và kết quả là ông đã trở thành thủ tướng da màu đầu tiên của Zimbabwe vào năm 1980.
Với cương vị đệ nhất phu nhân, Sally Mugabe đã thành lập Hội phụ nữ Zimbabwe ở Anh và vẫn giữ liên lạc với các tổ chức vì phụ nữ châu Phi ở London.
Đệ nhất phu nhân Sally Mugabe trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mỹ năm 1983. Bà được người dân Zimbabwe yêu mến và tôn là "người mẹ Zimbabwe". Ảnh tư liệu: Wikipedia
Trong cơn khát quyền lực, Robert Mugabe ngày càng trở nên liều lĩnh nhưng bà Sally đã "kiềm chế, giữ chân ông trên mặt đất" và can ngăn ông không đưa ra những quyết định chính trị dại dột. Nhiều người truyền miệng rằng chỉ cần bước chân vào phòng Mugabe là bà có thể xoa dịu căng thẳng cho ông. Tấm lòng của Sally Mugabe cảm mến người dân Zimbabwe và họ đã đặt cho bà biệt danh "Amai" (nghĩa là "người mẹ").
Nhưng sau đó, khi bà phát hiện ra mình không thể sinh con được nữa, những vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong cuộc hôn nhân. Con trai duy nhất của họ là Michael Nhamodzenyika Mugabe (sinh năm 1963) đã qua đời vì bệnh sốt rét thể não ở Ghana khi chỉ mới lên 3.
Sức khỏe của Sally Mugabe dần suy kiệt vì bệnh tật trong khi chồng bà bắt đầu quan hệ với những người tình khác. Tháng 1-1992, Sally Mugabe qua đời vì suy thận và khi không còn bà bên cạnh để đưa đường chỉ lối, Mugabe dần trở thành một kẻ chuyên chế độc tài.
Grace Marufu- kẻ "dung dưỡng" độc tài
Bốn năm sau khi Sally qua đời, Mugabe cưới người vợ hai trẻ hơn ông đến 41 tuổi Grace Marufu, người sau này trở thành đệ nhất phu nhân bị chính người dân Zimbabwe hết sức căm ghét.
Grace Marufu sinh năm 1965 ở Nam Phi và từng là một trong những thư ký của Mugabe khi họ bắt đầu lén lút hẹn hò vào năm 1987. Họ thậm chí còn lén có với nhau 2 người con trước khi vợ đầu của ông Mugabe là bà Sally qua đời năm 1992 (ngoài ra bà còn có một con trai riêng từ cuộc hôn nhân trước). Họ cưới nhau năm 1996 trong một hôn lễ xa xỉ có sự tham dự của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Hôn lễ của Tổng thống Robert Mugabe và người vợ trẻ hơn 41 tuổi Grace Marufu. Ảnh: Reuters
Grace Mugabe bị phê phán bởi thói quen thích mua sắm hàng hiệu đắt tiền và chi tiêu cho những chuyến du lịch xa xỉ. Bà còn sở hữu nhiều ngôi nhà ở Dubai, Nam Phi và không tiếc chi gần 4 triệu USD từ ngân khố quốc gia cho hôn lễ của con gái bà.
Gần đây, bà mua một chiếc Rolls-Royce trị giá gần 400,000 USD. Bà bị gán cho những biệt danh như "Gucci Grace", "Kẻ mua sắm hàng đầu" hay thậm chí còn chơi chữ tên bà với biệt danh "DisGrace" (nghĩa là "nỗi hổ thẹn").
Từng là một người nghiện mua sắm không có mấy hứng thú với chính trị nhưng từ năm 2014, Grace ngày càng lấn sân sang chính trường và thậm chí vào năm 2014, bà đã góp tay loại bỏ nữ Phó Tổng thống Joice Mujuru - người khi đó đang là ứng viên sáng giá để thay thế ông Mugabe khi sức khỏe ông xuống dốc.
Bà dùng ngôn từ công kích bà Mujuru, cáo buộc bà Mujuru âm mưu ám sát tổng thống và có dính líu đến tham nhũng. Hậu quả là bà Mujuru, người từng sát cánh cùng ông Mugabe từ khi Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980, đã bị loại bỏ khỏi vị trí Phó Tổng thống và đảng cầm quyền Mặt trận Liên minh yêu nước Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU-PF) một cách không thương tiếc.
Cũng trong năm 2014, ở tuổi 52, Đệ nhất phu nhân Grace trở thành lãnh đạo của cánh nữ giới trong ZANU-PF và ngày càng gia tăng ảnh hưởng chính trị. Nhiều người đồn rằng bà được chống lưng bởi nhóm G-40, một nhóm nhà hoạt động xã hội trẻ dưới 40 tuổi vốn nổi tiếng "hiếu chiến".
Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe (phải) với lối sống xa xỉ và bản chất nóng tính không được lòng người dân Zimbabwe. Ảnh: AP
Năm 2015, bà Grace từng phát biểu trước một đám đông rằng bà sẽ đưa chồng mình lên xe lăn nếu điều đó cần thiết cho việc chạy đua tranh cử của bà. Tham vọng kế nhiệm chồng của Grace Mugabe ngày càng bộc lộ rõ rệt.
Grace Mugabe nổi tiếng nóng tính. Năm 2009, bà từng đấm một phóng viên ảnh người Anh ở Hồng Kông khi người này chụp ảnh bà ở một khách sạn xa xỉ. Tháng 8-2017, bà bị tố hành hung một nữ người mẫu trong một phòng khách sạn ở Johannesburg - Nam Phi khi cô này đến đây để gặp 2 con trai bà.
Bất chấp những điều tiếng từ dư luận, Grace phát biểu trong một chương trình truyền hình Nam Phi rằng bà không còn quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bà nữa. Bà nói: "Da tôi đã dày hơn nên tôi chẳng quan tâm. Chồng tôi nói phớt lờ là hạnh phúc".
Những tiếng xấu về Grace Mugabe chưa dừng lại ở đó. Bà bị cho là được cấp bằng tiến sĩ chỉ sau 3 tháng theo học tại Trường ĐH Zimbabwe nơi chồng bà làm Hiệu trưởng. Nhà phân tích chính trị Earnest Mudzengi nhận định rằng Grace Mugabe không có sức hút với công chúng và thậm chí còn gây bất hòa trong nội bộ ZANU-PF.
Bà Grace Mugabe (phải) bị cho là có tham vọng kế nhiệm cương vị Tổng thống của chồng. Ảnh: Reuters
Các nhà phân tích cho rằng có thể bà Grace không thật sự mong muốn cương vị tổng thống mà chẳng qua chỉ đang tìm kiếm một vị trí an toàn để đảm bảo được bảo vệ trong những năm tháng "nguy hiểm" sau này khi ông Mugabe qua đời.
Dưới con mắt công chúng, từ khi quan hệ và cưới Grace Majuru, Robert Mugabe đã phá hoại đất nước Zimbabwe với những đường lối lãnh đạo hết sức sai lầm. Một đất nước từng có nền giáo dục tốt và giàu tài nguyên thiên nhiên giờ đây rơi vào nghèo đói với tỉ lệ cứ 10 công dân thì có 7 người thuộc diện nghèo đói. Ông cũng chính là người đã gây ra đợt siêu lạm phát tồi tệ thứ hai trong lịch sử đất nước này vào giai đoạn 2007-2009 khi tiền Zimbabwe rớt giá thê thảm với những chuỗi số "0" vô nghĩa.
Đó là lý do vì sao sẽ chẳng có mấy người khóc thương cho vị tổng thống già nua và người vợ bị căm ghét của ông nếu như cuộc binh biến hiện tại thật sự trở thành dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng quyền lực tồi tệ và phế truất vợ chồng ông khỏi tất cả quyền lực lãnh đạo đất nước.
Bình luận (0)