Hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden ngày 16-10 trở lại đường đua tranh cử với các chuyến đi đến 3 bang chiến lược sau khi tham gia phiên hỏi - đáp với cử tri diễn ra cùng lúc nhưng tại 2 thành phố khác nhau. Với số ca nhiễm mới tại nước Mỹ đang tăng mạnh trở lại (thêm 1 triệu ca trong chưa đến một tháng), đại dịch Covid-19 tiếp tục là một chủ đề nóng tại 2 sự kiện nhằm thay thế cuộc tranh luận tổng thống lần thứ 2 đã bị hủy sau khi ông Trump bị chẩn đoán mắc Covid-19 vào đầu tháng này.
Không gì lạ khi ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden tiếp tục công kích cách thức xử lý dịch bệnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump sau khi số ca nhiễm vượt cột mốc 8 triệu. Phát biểu trước các cử tri tại phiên hỏi - đáp do đài ABC tổ chức ở TP Philadelphia, bang Pennsylvania, tối 15-10 (giờ địa phương), ông Biden chỉ trích đối thủ đã che giấu sự nguy hiểm của virus gây bệnh Covid-19.
"Chúng ta đang ở trong tình huống có hơn 210.000 người tử vong vì Covid-19 và ông ấy (Donald Trump) đang làm gì? Không làm gì cả. Ông ấy vẫn không chịu đeo khẩu trang" - ông Biden công kích, đồng thời trình bày kế hoạch về nhiều vấn đề, từ đối phó dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế cho đến đối ngoại, chăm sóc sức khỏe, biến đổi khí hậu. Dù vậy, ông không trả lời thẳng câu hỏi liệu có ủng hộ bổ sung thẩm phán vào Tòa án Tối cao hay không mà chỉ nói điều này còn phụ thuộc vào tiến trình xác nhận đề cử bà Amy Coney Barrett đang diễn ra tại Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát.
Người dân tại một nhà hàng ở TP Tampa, bang Florida - Mỹ xem 2 ứng viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump trả lời cử tri trong 2 phiên hỏi đáp riêng biệt tối 15-10Ảnh: Reuters
Đáp lại, tại sự kiện ở TP Miami, bang Florida, Tổng thống Donald Trump tiếp tục biện hộ chính sách đã thực hiện trong cuộc chiến chống Covid-19, cũng như những hành xử của bản thân, như tổ chức một sự kiện tại Nhà Trắng mà không yêu cầu khách tham dự đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội, khiến một số người bị nhiễm virus. Dù vậy, ông chủ Nhà Trắng đã né tránh câu hỏi về lần gần đây nhất cuộc xét nghiệm Covid-19 của mình cho kết quả âm tính khi nói ông không nhớ chính xác.
Ngoài ra, theo Reuters, ông Trump không trả lời câu hỏi về thông tin của tờ The New York Times liên quan đến chuyện đóng thuế thu nhập của mình. Ông cũng từ chối lên án thuyết âm mưu QAnon (theo đó cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 đầy rẫy gian lận) trong lúc thắc mắc chuyện đeo khẩu trang có giúp ngăn dịch bệnh lây lan hay không.
Việc đài NBC quyết định chấp nhận tổ chức phiên hỏi - đáp với cử tri của ông Trump cùng thời điểm với ông Biden là phép ẩn dụ về một nước Mỹ đang bị chia rẽ khi cử tri có thể chọn kênh để nghe những gì họ muốn từ các ứng viên.
Dù vậy, điều này cũng khiến nhiều cử tri mất đi cơ hội nhìn thấy những điểm khác biệt giữa 2 ứng viên, nhất là những người chưa biết chọn ai. Dù vậy, những cử tri do dự sẽ có cơ hội cuối cùng để làm điều này trước khi bỏ phiếu nếu cuộc tranh luận tổng thống thứ 3 giữa 2 ông Trump và Biden vẫn diễn ra tại TP Nashville, bang Tennessee, vào ngày 22-10 tới như kế hoạch.
Từ nay đến ngày đó, ưu tiên hàng đầu của 2 ứng viên có thể không gì khác ngoài các bang chiến lược trong bối cảnh gần 20 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm. Trong các ngày cuối tuần này, Tổng thống Donald Trump tiến hành tranh cử tại 2 bang Florida và Georgia, được xem là đóng vai trò quan trọng đối với cơ hội tái đắc cử của ông. Trong khi đó, ông Biden đến 2 thành phố ở bang Michigan, một bang chiến lược khác.
Khó đoán đến phút cuối
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh nhận định cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh và phân cực chính trị sâu sắc không giống như những cuộc bầu cử trước đó.
Trong buổi nói chuyện chuyên đề về bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 chiều 16-10 tại Trường Đại học KHXH-NV TP HCM, ông Vinh cho biết hơn 17 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu khi còn chưa đầy 19 ngày diễn ra bầu cử 3-11. Điều này cho thấy sự quan tâm của cử tri đối với cuộc bầu cử năm nay, đặc biệt là khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng kinh tế khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.
Các cuộc thăm dò toàn quốc đến nay cho thấy ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump khoảng 10 điểm phần trăm. Trong khi đó, ông Biden dẫn trước ông Trump khoảng 4,9 điểm phần trăm ở các bang chiến lược, thấp hơn so với 5,4 điểm phần trăm mà cựu ứng viên tổng thống Hillary Clinton từng dẫn trước Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhắc lại kết quả cuộc bầu cử cách đây 4 năm cho thấy bà Clinton hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu phổ thông nhưng thất bại chung cuộc do thua ông Trump về số phiếu đại cử tri với tỉ lệ 227/304. Với bài học bầu cử năm 2016, kết quả cuộc bầu cử năm 2020 trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Theo ông Vinh, các yếu tố sai số cuộc thăm dò dư luận toàn nước Mỹ, nhóm cử tri do dự bỏ phiếu và việc bỏ phiếu qua bưu điện do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến kết quả cuộc thăm dò trở nên không chắc chắn. Số lượng cử tri Mỹ bỏ phiếu qua bưu điện tăng nên sẽ mất nhiều thời gian để xử lý và kiểm đếm hơn so với bỏ phiếu trực tiếp. Cuộc khủng hoảng đa chiều tại Mỹ phản ánh sự trông đợi của cử tri khi nhóm cử tri ủng hộ ông Trump quan tâm về vấn đề kinh tế và những cử tri ủng hộ ông Biden lại quan tâm cách xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Hiện vẫn chưa có yếu tố bất ngờ nào - như khả năng dịch bệnh chấm dứt, vắc-xin tiềm năng - xảy ra có thể tác động thay đổi kết quả cuộc thăm dò. Bài học cuộc bầu cử năm 2016, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thực sự, yếu tố "bất ngờ tháng 10" khiến cho kết quả cuộc bầu cử năm nay khó đoán hơn bao giờ hết. Ông Vinh cho rằng thống kê hiện tại cho thấy ông Biden đang dẫn trước với nhiều lợi thế nhưng cần phải theo dõi xem liệu có yếu tố bất ngờ có thể đảo ngược tình hình trong những ngày tới hay không. Cuộc bầu cử có khả năng gay cấn đến phút cuối với nguy cơ xảy ra tranh cãi pháp lý khi ông Trump từng đưa ra cáo buộc gian lận phiếu bầu với hình thức bỏ phiếu qua bưu điện.
Xuân Mai
Bình luận (0)