"Chúng ta đang có một quốc gia nơi mà các thể chế không còn hoạt động trong khi kinh tế trì trệ, chính trị biến động và người dân bất mãn với chính phủ" - ông Robert Fatton, chuyên gia về chính trị Haiti của Trường ĐH Virginia (Mỹ), khẳng định.
Còn chuyên gia François Pierre-Louis của Trường ĐH Queens (Mỹ) nói rằng ông không bất ngờ khi hay tin Tổng thống Moise bị ám sát, bởi nhà lãnh đạo này có nhiều kẻ thù, từ các chính trị gia đối lập đến doanh nhân và những gia tộc quyền lực.
Theo đài NPR, Tổng thống Moise lên nắm quyền vào năm 2017, sau cuộc bầu cử kéo dài và đầy tranh cãi. Trước khi nhậm chức, ông là một doanh nhân thành đạt nhưng không có nhiều kinh nghiệm chính trường.
Phe đối lập khẳng định nhiệm kỳ của Tổng thống Moise lẽ ra phải kết thúc hồi tháng 2 song nhà lãnh đạo 53 tuổi đáp trả rằng vì ông phải mất 1 năm mới được chính thức tuyên thệ nên nhiệm kỳ của ông phải được gia hạn đến năm 2022.
Cảnh sát Haiti tuần tra gần tư dinh của cố Tổng thống Jovenel Moise sau khi ông bị ám sát vào ngày 7-7. Ảnh: REUTERS
Vài giờ sau cái chết của Tổng thống Moise, Thủ tướng lâm thời Claude Joseph tuyên bố nắm quyền lãnh đạo đất nước, đồng thời cho biết tình hình đã được kiểm soát. Cũng theo ông Joseph, vụ tấn công "vô nhân đạo, man rợ" nhằm vào Tổng thống Moise diễn ra tại tư dinh của ông ở thủ đô Port-au-Prince và được tiến hành bởi một nhóm giấu tên.
Tại buổi họp báo cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia Haiti Leon Charles thông báo cảnh sát đã tiêu diệt 4 nghi phạm, bắt giữ 2 đối tượng liên quan đến cái chết của Tổng thống Moise.
Trong khi đó, Đệ nhất phu nhân Haiti Martine Moise được đưa đến Bệnh viện Jackson Memorial ở TP Miami, bang Florida - Mỹ vào chiều 7-7 trong tình trạng nguy kịch với nhiều vết đạn ở tay, đùi và bụng. Chỉ trích vụ ám sát nêu trên là "một hành động tàn bạo", Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quốc gia của ông sẵn sàng hỗ trợ để bảo đảm an ninh cho Haiti.
Bình luận (0)