Hôm 4-12, một tiểu đoàn vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ gồm 150 binh sĩ với xe tăng và khẩu pháo đã tới thị trấn Bashiqa, gần TP Mosul, miền Bắc Iraq. Tuyên bố từ văn phòng truyền thông của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết hành động triển khai quân sự này không được Baghdad yêu cầu hoặc cho phép nên Ankara phải rút quân đội khỏi lãnh thổ Iraq ngay lập tức, đồng thời “tôn trọng mối quan hệ láng giềng hữu hảo”.
Phía Mỹ đã lên tiếng xác nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh sĩ không nằm trong kế hoạch của liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria. Bộ Ngoại giao Iraq trên truyền hình cũng gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “xâm nhập” và phủ nhận bất kỳ hoạt động quân sự nào không phối hợp với liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Reuters hôm 7-12 dẫn lời một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara đang thảo luận với Bộ Quốc phòng Iraq và có thể giảm số binh sĩ.
Trong khi đó, báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nước này đã rút 350 binh lính về từ biên giới với Iraq. Các binh sĩ này có thể được điều đến Iraq nếu Ankara và Baghdad đạt được thỏa thuận.
Theo Ngoại trưởng Al-Jaafari, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không chịu rút quân vào ngày 8-12 tới, Iraq sẽ trình khiếu nại lên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhờ can thiệp.
Ankara biện hộ một lực lượng nhỏ của nước này đóng bên ngoài TP Mosul (đang do IS kiểm soát) từ năm ngoái là một phần của nhiệm vụ đào tạo phối hợp với chính quyền Baghdad. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tiểu đoàn vũ trang hôm 4-12 đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều quan chức cấp cao Iraq.
Hôm 6-12, sau khi Baghdad ra “tối hậu thư”, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tạm ngưng chương trình bổ sung “giảng viên quân sự” tới Iraq cho đến khi “vấn đề nhạy cảm được khắc phục”.
Tuy nhiên, Ankara không có ý rút lực lượng hiện có ở nước láng giềng về khi tuyên bố tiểu đoàn vũ trang nói trên có nhiệm vụ bảo vệ các “giảng viên quân sự” đang đóng gần Mosul. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng khẳng định chính Thủ tướng Abadi đã nhiều lần yêu cầu nước này hỗ trợ chống IS và phản ứng của Iraq chắc hẳn đã có “sự nhúng tay của một số quốc gia khác”.
Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm 6-12 nói rõ Thống đốc Mosul đã yêu cầu nước này gửi binh lính và phối hợp với Bộ Quốc phòng Iraq.
TP Mosul, có dân số khoảng 1 triệu người, bị IS chiếm đóng từ tháng 6-2014. Quân đội Iraq nhiều lần dự định phản công nhưng do bận tham chiến ở nơi khác nên chưa thực hiện được.
Bình luận (0)