Hôm 10-4, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc lý giải áp lực lớn trong việc gửi ngoại tệ về nước giữa lúc Bình Nhưỡng đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc là một phần nguyên nhân dẫn đến vụ đào tẩu của 13 nhân viên nhà hàng nói trên.
13 người đào tẩu, gồm 1 quản lý, đến Seoul hôm 7-4 đều xuất thân từ các gia đình trung lưu ở Bình Nhưỡng và điều này sẽ có một ảnh hưởng nhất định đối với miền Bắc.
Một nhà hàng của Triều Tiên ở Thái Lan. Ảnh: AP
Chính phủ Hàn Quốc ám chỉ những người đào tẩu lo sợ sẽ bị trừng phạt nếu không thể gửi tiền về Triều Tiên và nhiều nhà hàng của Triều Tiên ở nước ngoài đã phải đóng cửa do lượng thực khách giảm. Ước tính gần một nửa trong số họ không thể gửi tiền về nước.
Một nhân viên phục vụ nhà hàng trong số 13 người trên cho biết với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng khiến nhiều người cảm thấy không có hy vọng về chế độ Triều Tiên.
Theo quan chức giấu tên, nhân viên thứ hai cho biết cô đã xem phim truyền hình Hàn Quốc và biết về cuộc sống ở miền Nam, còn một người khác nói mình cảm thấy hạnh phúc khi sống ở nước ngoài và không muốn về nước.
Quan chức này nói: “Họ bày tỏ mong muốn được sống cuộc sống như người Hàn Quốc và cho rằng đào tẩu là cơ hội cuối cùng để rời xa miền Bắc”.
Một nhà hàng của Triều Tiên ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Thêm vào đó, những người đào tẩu được kết nối internet với thế giới bên ngoài - điều không thể xảy ra ở quê nhà - và những thông tin về thế giới rộng lớn khiến họ khao khát tự do. Theo phía Hàn Quốc, ngày càng có nhiều người Triều Tiên bất mãn về điều kiện kinh tế khó khăn sau các biện pháp trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tránh né câu hỏi liệu có hợp tác với chính phủ nước ngoài để giải quyết vụ việc 13 người đào tẩu hay không. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh những người đào tẩu tự quyết định bỏ trốn.
Triều Tiên đang có khoảng 130 nhà hàng ở nước ngoài có thể thu về cho nước này khoảng 10 triệu USD/ năm.
Bình luận (0)