Reuters dẫn lời Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết ca mắc biến thể Delta Plus thứ nhất là một người đàn ông khoảng 40 tuổi. Kết quả xét nghiệm ở những người từng tiếp xúc với người đàn ông này cho thấy một thành viên của gia đình ông bị dương tính với virus SARS-CoV-2. Ca mắc biến thể Delta Plus thứ hai là một du khách nước ngoài.
Hàn Quốc báo cáo 1.202 ca mắc mới Covid-19 hôm 2-8, nâng tổng số ca mắc lên 202.203 và 2.104 ca tử vong. Quốc gia này đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin Covid-19 cho 20 triệu người, tương đương 39% dân số, trong khi 14,1% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 36 triệu người vào tháng 9 tới.
Hàn Quốc báo cáo 1.202 ca mắc mới Covid-19 hôm 2-8. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, biến thể Delta Plus là "hậu duệ" của biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ. Delta Plus có một đột biến bổ sung được gọi là K417N, giúp phân biệt nó với biến thể Delta thông thường. K417N cũng được tìm thấy trong biến thể Beta lần đầu tiên xuất hiện ở Nam Phi.
Biến thể Beta với đột biến K417N từng thoát khỏi các kháng thể do vắc-xin Covid-19 tạo ra. Nói cách khác, có khả năng vắc-xin Covid-19 sẽ không thể chống lại đột biến này một cách hiệu quả. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết biến thể Delta Plus cũng giống như vậy, gây lo ngại làm ảnh hưởng tới các liệu pháp kháng thể được sử dụng để điều trị Covid-19.
Trước đó, biến thể Delta làm giảm hiệu quả của vắc-xin Covid-19 nếu chỉ tiêm một liều vắc-xin duy nhất (trên 2 liều đầy đủ). Tuy nhiên, nếu tiêm liều thứ hai sẽ sản xuất đủ kháng thể chống lại các triệu chứng nặng.
Các nhà nghiên cứu của Anh nói rằng vắc-xin Pfizer (Mỹ) đạt hiệu quả 33% đối với biến thể Delta sau một mũi tiêm và đạt 88% sau cả hai mũi. Còn vắc-xin AstraZeneca (Anh) đạt hiệu quả 33% sau liều đầu tiên và tăng lên 60% sau liều thứ hai.
Các báo cáo về ca mắc biến thể Delta Plus cho đến nay rất ít, bao gồm ở một số quốc gia như Anh, Bồ Đào Nha và Ấn Độ. Theo một số nhà khoa học, biến thể Delta Plus thậm chí còn lây nhiễm mạnh hơn biến thể Delta nhưng vẫn chưa có kết luận nghiên cứu chính thức.
Bình luận (0)