Trong một diễn biến gây tranh cãi lâu nay giữa Seoul và Bắc Kinh, một lượng lớn tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh Đường giới hạn phía Bắc, biên giới trên biển với Triều Tiên ở Hoàng Hải.
Theo ước tính của Hàn Quốc, trung bình có khoảng 180 tàu thuyền Trung Quốc đã đánh bắt cua ở phía Bắc đảo Yeonpyeong, một trong 5 hòn đảo phía Bắc của Hàn Quốc, mỗi ngày trong tháng qua sau một năm gián đoạn vì dịch Covid-19.
Ông Shin Joong-geun, lãnh đạo hiệp hội ngư dân trên đảo Yeonpyeong, cho biết: "Con số này cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Từ hòn đảo này, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy các đội tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động gần Đường giới hạn phía Bắc".
Một số tàu Trung Quốc bị nghi đánh bắt trái phép được nhìn thấy từ đảo Yeonpyeong. Ảnh: Yeonpyeong County
Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Đại dương Hàn Quốc Moon Seong-hyeok hôm 21-5 cho biết đánh bắt bất hợp pháp phải bị "xóa bỏ hoàn toàn" và cảnh báo từ năm sau, nước này sẽ sử dụng máy bay không người lái và trí thông minh nhân tạo để tăng cường hệ thống giám sát hàng hải của mình.
Một quan chức Bộ Thủy sản Hàn Quốc cho biết các tàu thuyền sẽ được tăng cường vào tháng tới khi hai nước tổ chức cuộc họp thường niên để thảo luận về các biện pháp ngăn đánh bắt bất hợp pháp.
Trung sĩ Song Joo-hyun, thuộc lực lượng tuần duyên đặc biệt của Hàn Quốc được thành lập vào năm 2017 để trấn áp các tàu Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp, cho biết: "Các tàu thuyền của Trung Quốc thường lợi dụng trời tối để đi xuống phía Nam của Đường giới hạn phía Bắc và đánh bắt trái phép".
Lực lượng tuần duyên đặc biệt Hàn Quốc đã bắt giữ 7 tàu cá Trung Quốc và buộc 360 người ra khỏi ngư trường gần Đường giới hạn phía Bắc trên biển chỉ riêng trong năm nay.
Mặc dù Bắc Kinh phủ nhận bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào nhưng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nghi ngờ Triều Tiên bán hàng trăm giấy phép đánh bắt mỗi năm cho các đội tàu Trung Quốc để đánh bắt trong vùng biển này. Động thái bị xem là vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Hai miền Triều Tiên đã nhất trí vào năm 2018 biến các ngư trường gần Đường giới hạn phía Bắc thành khu vực đánh bắt chung để giải quyết vấn đề nhưng vẫn chưa có tiến triển nào kể từ đó do căng thẳng về vấn đề phát triển hạt nhân của Triều Tiên.
Bình luận (0)