Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) khẳng định sẽ khiến Triều Tiên phải trả giá bằng các biện pháp đáp trả mạnh mẽ nếu nước này tiếp tục khiêu khích.
JCS nhấn mạnh: “Nếu Triều Tiên phớt lờ các lời cảnh báo, chúng ta sẽ khiến họ phải cảm thấy ân hận sâu sắc bằng các biện pháp trả đũa mạnh mẽ. Bình Nhưỡng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả của các hành động mang tính khiêu khích của họ".
Quân đội Triều Tiên đe dọa thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu vào phủ tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong ngày 24-2 công bố họ bị thiệt hại khoảng 815 tỉ won (tương đương 660 triệu USD) do khu này bị đóng cửa hồi đầu tháng 2.
Lần đóng cửa 160 ngày vào năm 2013 của Kaesong khiến các công ty Hàn Quốc hoạt động tại đây thiệt hại tổng cộng 1.050 tỉ won.
Ngày 23-2, quân đội Triều Tiên lên án các cuộc tập trận chung của quân đội Hàn Quốc và Mỹ, dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 3-2016, đồng thời đe dọa thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu vào phủ tổng thống Hàn Quốc và các cơ sở quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp tấn công để chống lại bất kỳ nỗ lực giết chết lãnh đạo nước này và làm sụp đổ chế độ.
"Triều Tiên đang cố gắng thu thập thông tin tình báo về cơ sở hạ tầng trọng điểm tại Hàn Quốc" - thông tin này của nghị sĩ Lee Chul-woo thuộc đảng Saenuri cầm quyền càng làm người dân thêm lo ngại về khả năng miền Bắc tiến hành các vụ tấn công.
Nghị sĩ Lee cũng cho biết các hoạt động trên của Triều Tiên được bắt đầu sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ thị cho các cơ quan nước này tập trung mọi khả năng để tiến hành các vụ tấn công khủng bố và tấn công mạng nhằm vào Hàn Quốc.
Để đối phó, chính phủ Hàn Quốc tập trung ngăn cản các nỗ lực tấn công mạng liên tiếp của Triều Tiên nhằm vào các sân bay, nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở quan trọng khác của nước này.
Binh lính Hàn Quốc canh gác ở khu vực Bàn Môn Điếm, biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: AP
Trong khi đó, một công ty Trung Quốc tại TP Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh (giáp biên giới với Triều Tiên) đã nhận được chỉ thị từ Bộ Thương mại nước này về việc ngừng mua bán than đá với Triều Tiên từ tháng tới.
Thông tin này được tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn từ một doanh nhân giấu tên của Trung Quốc đang mua bán than đá với Triều Tiên. Nguồn tin trên nói: “Một bộ phận hữu quan trực thuộc Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan ban hành chỉ thị trên và theo như tôi hiểu, chính quyền tỉnh Liêu Ninh đã nhận được thông tin này”.
Theo nguồn tin, chỉ thị trên rõ ràng có liên quan đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 vào tháng trước. Than đá là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên sang Trung Quốc, còn Đan Đông là nơi diễn ra hơn 70% các hoạt động thương mại song phương giữa hai nước.
Bình luận (0)