Chiếc Không lực 1 đã hạ cánh xuống Hàng Châu lúc 14 giờ ngày 3-9 (giờ địa phương), đưa Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hội nghị G20. Tối cùng ngày, ông Obama hội đàm Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á cuối cùng của ông Obama trước khi rời Nhà Trắng.
Trước khi lãnh đạo của 20 nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đổ bộ vào ngày 4-9, các con đường và trung tâm thương mại ở Hàng Châu, vốn là thành phố đông đúc với 9 triệu dân, đều vắng hoe. Chỉ có một vài chiếc xe và ít người xung quanh trong khi các cửa hàng đều đóng cửa.
Các công trình xây dựng cũng bị tạm dừng, một điều hiếm khi xảy ra tại đất nước có người lao động làm việc suốt ngày đêm.
Hơn 200 nhà máy thép ở các tỉnh lân cận như Giang Tô, An Huy, Sơn Đông và Chiết Giang cũng bị đóng cửa để hạn chế ô nhiễm trong 2 ngày diễn ra hội nghị. Ngày 3-9, chất lượng không khí ở đây được xem là “tốt”.
Các chốt kiểm soát của cảnh sát đã được dựng lên trên đường phố trong khi nhiều nhân viên an ninh tình nguyện tuần tra đường phố.
Cảnh sát bảo vệ con đường gần địa điểm tổ chức G20. Ảnh: REUTERS
“Hiện tại mọi việc đều có chút bất tiện nhưng có thể hiểu được chuyện này. Lãnh đạo của 20 nước quan trọng trên thế giới đang chuẩn bị đến đây và chúng tôi cần đảm bảo an ninh cho họ. Chúng tôi phải khoe ra phần tốt đẹp nhất của Hàng Châu cho thế giới” – anh Liu Wenchao, một nhân viên bất động sản ở Hàng Châu, nói.
Trung Quốc càng có lý do tăng cường an ninh sau khi đại sứ quán nước này ở thủ đô Bishkek - Kyrgyzstan vừa bị đánh bom tự sát tuần này.
Hàng Châu vốn là một thành phố có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và là nơi đặt trụ sở của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba cũng như các nhà máy dệt may và thép.
Sau khi chính quyền ban hành kì nghỉ lễ 1 tuần và tung ra nhiều phiếu miễn phí du lịch lên tới 10 tỉ nhân dân tệ (1,5 tỉ USD), cư dân Hàng Châu đều lũ lượt ra khỏi thành phố nghỉ mát.
Khu thắng cảnh Tây Hồ vốn đông đúc du khách nay cũng đóng cửa bởi đây sẽ là địa điểm tham quan của các nhà lãnh đạo G20. Nhiều cư dân, như các đầu bếp đến từ khu tự trị Tân Cương, đã được đưa về nhà trong thời gian hội nghị, theo Reuters.
Áp lực đang đè nặng lên vai Trung Quốc để tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh, sự kiện quan trọng nhất trong năm, cũng như củng cố địa vị của một quốc gia quyền lực trên thế giới và né tránh các mâu thuẫn về những vấn đề như tranh chấp ở biển Đông.
Bình luận (0)