Con số này có thể lên đến 67% vào năm 2020 - thời điểm thế giới cam kết ngăn chặn sự biến mất của các loài động vật hoang dã - nếu không có các biện pháp đối phó kịp thời.
Báo cáo trên được công bố 2 năm một lần. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu thu thập về 3.700 loài chim, cá, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát - chiếm khoảng 6% trong tổng số động vật có xương sống trên thế giới. Sau đó, họ phân tích sự thay đổi của số lượng động vật hoang dã từ năm 1970 đến nay.
Đài BBC ngày 27-10 dẫn lời TS Mike Barrett, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Chính sách thuộc WWF, cho biết: “Số lượng các loài sống trong môi trường nước ngọt giảm đến 81% kể từ năm 1970. Tình trạng này liên quan tới cách con người sử dụng nước cũng như sự phân tán các hệ thống nước ngọt do hoạt động xây đập”.
Báo cáo cũng nêu bật số phận bi thảm của các loài động vật khác. Chẳng hạn, số lượng voi châu Phi và cá mập giảm mạnh trong những năm gần đây do bị săn bắn và đánh bắt quá mức. Ngoài ra, ô nhiễm hóa chất còn ảnh hưởng đến nhiều loài sinh vật, từ cá kình đến gấu Bắc Cực.
“Lần đầu tiên chúng ta phải đối mặt nguy cơ tuyệt chủng của hàng loạt động vật hoang dã kể từ sau khi khủng long tuyệt chủng 65 triệu năm trước. Việc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên của nhân loại đã đe dọa môi trường sống, dồn ép các loài vật đến bờ vực tuyệt chủng và đe dọa sự ổn định của khí hậu” - ông Barrett cảnh báo.
Dù vậy, chuyên gia này cho rằng tình hình không đến nỗi vô vọng: “Chúng ta biết nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của con người lên môi trường tự nhiên và động vật hoang dã. Các chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần suy nghĩ lại về cách chúng ta sản xuất, tiêu dùng, đo đạc sự thành công và đánh giá môi trường tự nhiên”.
Ngoài ra, các nước cần có những “kế hoạch nghiêm túc” để tăng cường bảo vệ các loài và môi trường sống của chúng.
Bình luận (0)