Một nguồn tin nói với tờ The Times rằng sự biến mất của Đô đốc Veysel Kosele, chỉ huy Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, đang làm dấy lên 2 luồng thông tin trái chiều. Thứ nhất, ông Kosele là một trong những quan chức quân sự tham gia đảo chính. Thứ hai, ông bị những kẻ nổi loạn lừa lên tàu để xử lý một vụ khủng bố, sau đó bị bắt làm con tin.
14 tàu hải quân nói trên trước đó hoạt động tại biển Aegean và biển Đen nhưng cho đến nay không thấy liên hệ với trụ sở hải quân hoặc trở lại cảng nhà.
Hôm 16-7, một trực thăng chở 8 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp xin tị nạn. Vì vậy, người ta tin rằng 14 tàu hải quân mất tích có thể đã hướng tới các cảng của Hy Lạp.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus hôm nay phủ nhận thông tin có tàu chiến mất tích, theo Reuters. Ông này không đề cập thông tin liên quan đến Đô đốc Kosele.
Về các diễn biến mới nhất sau vụ đảo chính thất bại hôm 15-7, hãng tin Anadolu cho biết tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh tống giam 85 tướng lãnh và đô đốc, chờ ngày xét xử. Hàng chục người khác vẫn đang bị thẩm vấn.
Trong số này bao gồm cựu Tư lệnh Không quân, tướng Akin Ozturk - bị cáo buộc là kẻ cầm đầu cuộc nổi dậy. Người thứ hai là tướng Adem Hududi, chỉ huy đơn vị lục quân số hai của Thổ Nhĩ Kỳ.
Song song đó, Ankara tiến hành bắt giữ hàng ngàn người bị cáo buộc tham gia đảo chính. Tổng cộng 208 người ủng hộ chính phủ và 24 kẻ âm mưu đảo chính đã thiệt mạng. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc học giả Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ đứng sau giật dây vụ nổi loạn.
Giám đốc Sáng kiến Nghiên cứu Ottoman và Thổ Nhĩ Kỳ Mostafa Minawi tại Đại học Cornell, so sánh cuộc đảo chính thất bại giống như “một món quà dành cho Tổng thống Erdogan”. Đây sẽ là lý do để ông siết chặt các biện pháp chống lại những kẻ bất đồng chính kiến muốn lật đổ chính phủ của mình.
Bình luận (0)