Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1-5 ký sắc lệnh cách chức một loạt quan chức cao cấp ở các cơ quan an ninh, đồng thời bổ nhiệm một số chức vụ lãnh đạo ở các chính quyền địa phương.
Liên tục cải tổ
Trong danh sách tướng lĩnh bị sa thải đợt này có trung tướng Vladimir Artamonov, Thứ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp và thiếu tướng Sergei Vorontsov, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý quốc gia các tình huống khẩn cấp thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, Tổng thống Putin còn cách chức lãnh đạo Cục Điều tra các vùng trực thuộc Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, gồm: thiếu tướng Alexei Evdokimov (vùng Ulyanovsk), thiếu tướng Yury Popov (vùng Rostov), thiếu tướng Oleg Mezrin (CH Yakutia) và đại tá Rim Gabdullin (Cục phó thứ nhất Cục Điều tra CH Bashkiria).
Cũng bị mất chức là một số vị đứng đầu các cơ quan cải tạo khu vực, như thiếu tướng Grigory Zheludov (khu vực Perm), thiếu tướng Oleg Simchenkov (Primorye) và thiếu tướng Daufit Khamadishin (Tatarstan).
Sắc lệnh của Tổng thống Putin cũng sờ gáy một số quan chức Bộ Nội vụ, trong đó có chánh thanh tra Bộ Nội vụ Liên bang Nga, thiếu tướng Sergei Kulyukin; Giám đốc Bộ Nội vụ vùng Irkutsk Oleg Knaus và Phó Giám đốc Bộ Nội vụ vùng Kemerov Viktor Kutylkin…
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Putin bãi nhiệm hàng loạt tướng lĩnh trong năm nay. Hôm 9-3, ông ký sắc lệnh cách chức 10 tướng lĩnh công tác tại Bộ Nội vụ, cơ quan cải tạo và Ủy ban Điều tra Liên bang Nga cũng như 2 công tố viên khu vực. Khi đó, tổng thống Nga tuyên bố những người có thẩm quyền phải làm tốt hơn công việc của mình, từ đối phó với chủ nghĩa cực đoan cho đến xử lý hiện tượng giới trẻ tự tử.
Hồi tháng 2 năm nay, theo trang Report.az, Tổng thống Putin cũng ký sắc lệnh cách chức 16 tướng lĩnh Bộ Nội vụ và Ủy ban Điều tra, trong đó có 2 vị bị loại ra khỏi ngành cảnh sát.
Đòi hỏi khắt khe
Theo đài phát thanh RFE/RL, nguyên nhân sa thải các vị tướng nói trên không được nêu rõ. Đáng chú ý, thông báo cách chức hồi tháng 3 được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Putin phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Nội vụ rằng các vị trí đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật phải đáp ứng những đòi hỏi rất khắt khe.
Ông kêu gọi cơ quan an ninh làm việc cật lực hơn nữa để đối phó chủ nghĩa cực đoan, tình trạng nhập cư trái phép và tai nạn giao thông. Theo nhà lãnh đạo Nga, gần một nửa số tội ác ở nước này chưa được giải quyết. Đặc biệt, ông chủ Điện Kremlin kêu gọi xây dựng nền pháp chế cứng rắn hơn để truy tố những kẻ đứng đằng sau “các website kích động tự tử” khi bọn tội phạm chủ yếu nhắm vào đối tượng thiếu niên và giới trẻ.
Song song với việc chấn chỉnh bộ máy trong nước, ông Putin cũng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại. Ngày 2-5, Tổng thống Nga hội đàm Thủ tướng Đức Angela Merkel ở khu nghỉ mát Sochi bên bờ biển Đen. Cơ quan báo chí Điện Kremlin cho biết 2 nhà lãnh đạo bàn về cuộc chiến chống khủng bố, tình hình vùng Cận Đông và việc thực thi thỏa thuận Minsk về giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Cuộc gặp mặt cấp cao Đức - Nga diễn ra sau 2 năm gián đoạn và được xem là sự chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn) diễn ra ở TP Hamburg - Đức vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, theo kênh Channel NewsAsia, cuộc gặp lần này khó hàn gắn những rạn nứt sâu sắc giữa Nga và Liên minh châu Âu thời gian qua.
Ngoài ra, theo hãng tin RIA Novosti, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm trong ngày 2-5 (giờ địa phương). Đây là cuộc điện đàm thứ ba giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức. Lần đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 1, lần thứ hai vào đầu tháng 4 - khi tổng thống Mỹ chia buồn với người đồng cấp Nga về vụ khủng bố tàu điện ngầm TP St. Petersburg.
Bình luận (0)