Một khi xảy ra chiến tranh, những quả bom “đang ngủ” này có thể được kích hoạt và gây ra một trận sóng thần khổng lồ quét sạch phần lớn bờ biển Mỹ, trong đó những thành phố lớn như Miami, New York, Boston... đều tan hoang.
Theo báo Daily Mail (Anh), thông tin gây sốc này do ông Viktor Baranetz đưa ra trong cuộc phỏng vấn với báo Nga Komsomolskaya hôm 28-2 và được Viện Nghiên cứu truyền thông Trung Đông (MEMRI) – một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ - dịch ra tiếng Anh gần đây.
Ông Baranetz thừa nhận Nga không thể chi nhiều tiền cho quân sự hơn Mỹ nên phải tìm cách “đi tắt đón đầu”. “Mỹ là nhà vô địch thế giới về ngân sách quốc phòng – gần 600 tỉ USD, gấp 10 lần Nga” – ông giải thích.
Ngoài “bom sóng thần” nêu trên, theo ông Baranetz, Nga đang phát triển loại tên lửa có thể đổi hướng trên không, khiến đường đi của nó không thể tính toán được.
Cũng theo ông này, Nga đang tập trung nghiên cứu “cách đáp trả bất đối xứng” với Mỹ để đảm bảo cả 2 nước cùng bị hủy diệt bất kể bên nào tấn công trước. “Các đáp trả bất đối xứng của chúng tôi là các đầu đạn hạt nhân có thể tự điều chỉnh hành trình và độ cao để không máy tính nào xác định được đường đi của chúng” – ông nói.
“Một ví dụ khác, Mỹ đang triển khai xe tăng, máy bay và các tiểu đoàn đặc nhiệm dọc biên giới Nga. Còn chúng tôi lặng lẽ cấy các tên lửa hạt nhân “gián điệp” dọc bờ biển Mỹ. Chúng tự ẩn sâu xuống biển và “ngủ” cho đến khi có lệnh kích hoạt”. Nói đến đây, ông Baranetz tự ngắt lời mình: “Ồ, có vẻ tôi nói nhiều quá rồi. Lẽ ra tôi phải giữ mồm giữ miệng hơn”.
Không lâu sau những phát biểu của ông Baranetz, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin lên tiếng phủ nhận, theo Daily Mail. Theo người này, những lời lẽ của cựu đại tá là “kỳ lạ” và “không nên cho là thật”.
Chưa rõ thông tin của ông Baranetz đúng sai thế nào song theo báo Daily Star (Anh), cựu Tư lệnh Lục quân Nga Yuri Baluyevsky trước đây cũng từng nói “có những kế hoạch đang được tiến hành để bù đắp sự thiếu hụt hỏa lực của Nga”.
Mỹ dẫn đầu về chi tiêu quân sự
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), chi tiêu quân sự năm 2016 của Mỹ ước tính là 611 tỉ USD, chiếm 36% tổng chi tiêu quân sự toàn thế giới.
Cụ thể hơn, chi tiêu quân sự của Mỹ gấp gần 3 lần nước xếp thứ hai (Trung Quốc) và chỉ kém chút ít so với 9 nước tiếp theo trong bảng xếp hạng cộng lại (632 tỉ USD) - bao gồm Trung Quốc (215 tỉ USD), Nga (69 tỉ USD), Ả Rập Saudi (64 tỉ USD), Ấn Độ (56 tỉ USD), Pháp (56 tỉ USD), Anh (48 tỉ USD), Nhật (46 tỉ USD), Đức (41 tỉ USD), Hàn Quốc (37 tỉ USD).
Dù đã chi tiêu nhiều như vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kêu gọi tăng thêm 54 tỉ USD cho quân đội Mỹ trong tài khóa 2017 để “tái xây dựng quân đội”.
Chi tiêu quân sự Mỹ tăng 1,7% trong khoảng thời gian 2015-2016, lần tăng đầu tiên trong nhiều năm giảm liên tục. Còn trong khoảng thời gian 2007-2016, Trung Quốc có mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất (118%), tiếp theo là Nga (87%) và Ấn Độ (54%).
Bình luận (0)