Luật sư Philippa Southwell thời gian gần đây nhận bào chữa cho một nhóm khách hàng đặc biệt: đó là những nam thanh, thiếu niên Việt Nam bị bán sang Anh làm nô lệ. Họ thường xuất thân từ những gia đình nghèo khó, bị bọn buôn người lừa bán sang phương Tây với lời hứa kiếm được nhiều tiền giúp cuộc sống đỡ chật vật.
Theo Bộ Nội vụ Anh, ước tính có khoảng 13.000 nạn nhân bị ép buộc làm nô lệ tại Anh vào năm 2013. Phần lớn họ đến từ Albania, Nigeria, Việt Nam và Romania.
Để tới được Vương quốc Anh với hy vọng đổi đời, những đứa trẻ người Việt phải băng qua hàng ngàn cây số bằng thuyền bè, xe tải hoặc đi bộ, ròng rã nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời trước khi tới được bờ biển và đặt chân lên đất liền.
Luật sư Southwell cho biết: “Họ được bán thông qua cửa ngõ Nga, Đức và Pháp. Những đứa trẻ đi bộ nhiều ngày trong rừng, ngủ trong lều bạt và bị nhốt trong những chiếc xe tải bít bùng và hết sức bẩn thỉu. Họ tuyệt đối không được nói chuyện, không thể di chuyển và thiếu dưỡng khí. Đôi lúc họ còn phải tiểu tiện ngay trong thùng xe”.
Sau khi vượt qua một quãng đường dài tới Anh, những đứa trẻ người Việt bị giam lỏng tại các trang trại trồng cần sa rải rác trên khắp cả nước, làm việc không khác gì nô lệ để trả “khoản nợ” có khi lên đến 48.000 USD (tương đương 978 triệu đồng). Do chính phủ Anh cấm trồng và tiêu thụ cần sa nên các trang trại thường được đặt tại các khu vực hoang vắng, điều kiện sống thiếu thốn.
Trong những căn nhà tạm, bọn trẻ thường xuyên phải làm việc quần quật dưới hệ thống sưởi ấm và đèn công suất lớn cũng như cái nóng như thiêu đốt da thịt. Tất cả cửa sổ được bịt kín để “nô lệ” không thể bỏ trốn.
Mỗi lần bị nhà chức trách phát hiện, họ bị cảnh sát đối xử như tội phạm chứ không phải nạn nhân. Giám đốc tổ chức từ thiện ECPAT UK, bà Chloe Setter, chỉ ra rằng chưa có một băng đảng buôn bán trẻ em Việt Nam nào bị khởi tố nhưng bọn trẻ lại là những bị cáo đầu tiên phải ra tòa vì những hành vi phạm pháp.
Hồi năm 2013, chính phủ Anh công bố dự luật để giải quyết nạn buôn người và nô lệ đang tăng đột biến. Dự luật cho phép buộc tội hình sự đối với các nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ. Khi những đứa trẻ vị thành niên bị giam giữ, các luật sư thường kêu gọi họ nhận tội tham gia sản xuất ma túy thay vì xét đến trường hợp họ bị mua bán bất hợp pháp vào Anh. Đó cũng là lý do khiến luật sư Southwell đứng lên đòi quyền lợi cho những đứa trẻ tội nghiệp.
Tại Anh, mặc dù cần sa bị cấm tiêu thụ từ năm 1928 nhưng đây vẫn là loại ma túy phổ biến trong nước. Thống kê của Cơ quan Theo dõi Ma túy Độc lập (IDMU) cho thấy mỗi năm có khoảng 2,7 triệu người sử dụng hơn 1.000 tấn cần sa với giá trị 5,9 triệu USD.
London thừa nhận cần sa chủ yếu được trồng trong nước và trong quãng thời gian 4 năm từ 2008-2012, số lượng nhà máy cần sa “cây nhà lá vườn” đã tăng gấp đôi lên 8.000.
Bình luận (0)