Khi chuyện đi ăn ngoài hoặc đến siêu thị đối với người dân trở nên bất khả thi hoặc không mong muốn, các công ty cung cấp thực phẩm nhanh chóng chuyển sang dịch vụ giao hàng tận nhà.
Nhân viên giao hàng của Công ty Meituan. Ảnh: Healthing
Sự lây lan của căn bệnh khiến đơn đặt hàng trực tuyến gia tăng mạnh nhưng mọi người cũng rất cảnh giác khi tiếp xúc trực tiếp với người lạ. Đáp lại, các nhà hàng và công ty cung cấp thực phẩm bắt đầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro cho cả người giao lẫn nhận hàng.
Cuối tháng trước, Meituan - công ty phân phối thực phẩm hàng đầu Trung Quốc - ra mắt dịch vụ bán hàng trên mạng và giao hàng không tiếp xúc ở TP Vũ Hán, trước khi triển khai dịch vụ này ra tới 184 thành phố trên toàn quốc, South China Morning Post đưa tin.
Các nhân viên giao hàng bị quá tải khi nhận nhiều đơn hàng. Ảnh: Zhu Weihui
Đúng như tên gọi của nó, dịch vụ cho phép khách mua đặt hàng qua ứng dụng và nhận chúng tại các khu vực được khách chỉ định như bệ cửa và tiền sảnh.
Ứng dụng giao hàng Eleme và các chuỗi thức ăn nhanh như KFC và Pizza Hut cũng giới thiệu các dịch vụ giao hàng không tiếp xúc tại Trung Quốc, theo báo Business Insider.
Tại TP Vũ Hán, nơi mà "nhiều cửa hàng tạp hóa và siêu thị luôn bị hết hàng", Meituan đặt tủ khóa gần các bệnh viện nơi nhân viên y tế có thể lấy bữa ăn bằng mã QR. Theo thông tin của đài BBC, Meituan tặng 1.000 bữa ăn miễn phí mỗi ngày cho nhân viên y tế, cũng như cung cấp cho họ các thực phẩm tươi để tự chế biến.
Khách mặc đồ bảo hộ mua hàng tại siêu thị Herma Fresh. Ảnh:Reuters
Một số chuỗi nhà hàng - bao gồm Yunhaiyao và Nayuki - cũng bắt đầu bàn hàng qua mạng với cam kết an toàn thực phẩm với mỗi đơn hàng, tạp chí Financial Times cho biết.
Các nhà hàng này bảo đảm thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của tất cả nhân viên xử lý thực phẩm, từ thợ làm bánh, đầu bếp và người pha trà cho đến người chuyển phát nhanh. "Nói 1 cách dễ hiểu, chúng tôi có cảm biến nhiệt độ cầm tay để kiểm tra" - một nhân viên Yunhaiyao cho biết.
Nhân viên thu ngân mặc đồ bảo hộ khi làm việc hôm 12-2. Ảnh: Reuters
Tất cả 700.000 người giao hàng của Meituan đều được trang bị áo khoác màu vàng đặc thù, thẻ đeo ghi chi tiết thân nhiệt của họ và cho họ biết hộp thức ăn có khử trùng hay không.
""Những người giao hàng này trở thành anh hùng của Trung Quốc cùng với các nhân viên y tế" - ông Sha Shaun, giám đốc điều hành của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc, nói với tờ Financial Times. "Các nhà bán lẻ thực phẩm trực tuyến khiến người dân cả nước bình tâm hơn bởi vì họ đang giúp mọi người có thể mua thực phẩm với giá cả hợp lý".
Theo dữ liệu của chính phủ, chi phí thực phẩm đã tăng hơn 20% tại Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đáng chú ý nhất là giá cả thịt heo vì Trung Quốc là nơi tiêu thụ lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê của Cục thống kê quốc gia do Tân Hoa Xã đưa tin: Giá thịt lợn tăng 116% kể từ năm ngoái và rau quả tăng 17%.
Bình luận (0)