Với tỉ lệ 211 phiếu ủng hộ và 148 phiếu chống, ông Johnson tránh được nguy cơ phải từ chức lập tức. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu phần nào cho thấy mối đe dọa lớn nhà lãnh đạo này đang đối mặt và buộc ông phải nỗ lực khôi phục niềm tin của các chính trị gia cùng đảng và người dân.
Theo hãng tin Reuters, văn phòng Thủ tướng Johnson cho biết các chính sách mới của ông nhằm giảm chi phí chăm sóc trẻ và giúp nhiều người dân mua được nhà. Dù vậy, ông John Curtice, chuyên gia tại Trường ĐH Strathclyde (Scotland), hoài nghi khả năng ông Johnson có thể thuyết phục các thành viên Đảng Bảo thủ cầm quyền tiếp tục ủng hộ mình.
Tờ Los Angeles Times (Mỹ) nhắc lại chuyện Thủ tướng Theresa May cũng từng "thoát hiểm" trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào năm 2018 nhưng buộc phải từ chức 6 tháng sau đó vì không còn nhận được sự hậu thuẫn từ các thành viên đảng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại cuộc họp nội các hôm 7-6 Ảnh: Reuters
Trước mắt, Đảng Bảo thủ sẽ đối mặt phép thử trong cuộc bầu cử bổ sung ở hai hạt Tây Yorkshire và Devon vào cuối tháng này. Ông Tim Bale, chuyên gia tại Trường ĐH Queen Mary (Anh), dự báo với đài CNBC rằng Đảng Bảo thủ sẽ thua trong cả 2 cuộc bầu cử này và một kết quả như thế sẽ khiến nhiều nghị sĩ đảng này lo ngại, từ đó gia tăng sức ép lên ông Johnson.
Chia sẻ nhận định này, ông Kallum Pickering, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Berenberg (Đức), cho rằng nguy cơ nền kinh tế xấu đi trong mùa hè, cũng như kết quả tồi tệ trong các cuộc bầu cử bổ sung sắp tới có thể làm lung lay chiếc ghế của nhà lãnh đạo Anh.
Thái độ bất bình đối với vai trò lãnh đạo của ông Johnson gia tăng sau khi xuất hiện cáo buộc ông tiệc tùng giữa lúc Anh áp lệnh phong tỏa vì Covid-19 hồi năm ngoái.
Dù vậy, những người ủng hộ đánh giá cao nhà lãnh đạo này vì giúp hoàn tất tiến trình Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và nỗ lực đối phó Covid-19, nhất là trong việc mua và triển khai nhanh chóng vắc-xin.
Bình luận (0)