Các cuộc trưng cầu dân ý lần hai từng diễn ra ở các nước khác trước đây và thỉnh thoảng cho kết quả khác hẳn lần đầu.
Hiện thỉnh nguyện thư tổ chức lại trưng cầu dân ý ở Anh đã thu được hơn 3,2 triệu chữ ký. Tuy nhiên, theo The Sun, việc nhận được hơn 100.000 chữ ký chỉ là điều kiện đủ để thỉnh nguyện thư được đưa ra thảo luận tại quốc hội Anh chứ không đảm bảo yêu cầu bỏ phiếu lại thành hiện thực.
Khó có khả năng tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Ảnh: PA
Trong khi đó, Ủy ban Kiến nghị Hạ viện Anh đang điều tra các cáo buộc liên quan đến thỉnh nguyện thư nói trên. Cuộc điều tra tập trung vào khả năng gian lận để ký tên và đến nay đã có 77.000 chữ ký giả bị xóa. Những người dùng Twitter cho rằng một số người ký đơn kiến nghị là người nước ngoài trong khi chỉ có công dân Anh mới được phép làm điều này.
Bà Helen Jones, chủ tịch ủy ban kiến nghị, cho biết cơ quan này đánh giá những cáo buộc trên là “rất nghiêm trọng”. Đơn kiến nghị kêu gọi bỏ phiếu lần nữa về Brexit có nhiều chữ ký hơn bất kỳ đơn kiến nghị nào khác trên trang web của Quốc hội Anh. Do đó, Ủy ban Kiến nghị sẽ tiếp tục theo dõi vì “số lượng chữ ký tăng đáng ngờ”.
Tuy nhiên, Thủ tướng David Cameron cho rằng ý tưởng tổ chức lại trưng cầu dân ý là “vô nghĩa” và các lãnh đạo EU cũng thẳng thừng khẳng định “không có cơ hội thứ 2” sau kết quả lịch sử hôm 24-6.
Thực ra, vẫn còn cơ hội để đảo ngược kết quả mà không cần trưng cầu dân ý lần nữa. Nguyên nhân vì kết quả bỏ phiếu hôm 24-6 cũng không mang tính ràng buộc về pháp lý nên về mặt lý thuyết, quốc hội Anh có thể bác bỏ nó.
Nhưng nếu làm vậy, quốc hội sẽ đối mặt sự giận dữ của 17 triệu người Anh đã bỏ phiếu chọn "ra đi". Hơn nữa, theo giáo sư Vernon Bogdanor, "EU sẽ không mặc cả thêm nữa. Họ đã xem kết quả hôm 24-6 là cuối cùng".
Bình luận (0)