Mỹ mất chỗ dựa
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân toàn cầu tổ chức ở Trường ĐH Stanford chiều 24-6, Tổng thống Obama cho biết ông đã nói chuyện với Thủ tướng Anh David Cameron qua điện thoại và khẳng định “quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh không có gì thay đổi”.
Dù vậy, theo Reuters, Brexit đang đe dọa đánh chìm hy vọng đạt được Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) của Mỹ và EU trước khi ông Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017. Brexit cũng khiến Washington gặp trở ngại trong việc tập hợp đồng minh phương Tây nhằm chống lại những thách thức như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc.
Xa hơn, người kế nhiệm ông Obama có thể phải lựa chọn liên kết với các đối tác châu Âu quan trọng khác như Đức và Pháp. “Anh vẫn là đồng minh then chốt nhưng không thể phủ nhận mối quan hệ Mỹ - Đức mới là chìa khóa cho các vấn đề của EU” - ông Nicholas Burns, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và nay là cố vấn của ứng viên tổng thống bên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, nhận định trên Twitter.
Trung Quốc hưởng lợi?
Brexit cũng có thể làm “chệch đường ray” các dự án tài chính trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế và Tài chính Trung Quốc - Anh (EFD), một chương trình được xây dựng chủ yếu nhờ vào tư cách thành viên EU của Anh. “Đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng Anh sẽ không ảnh hưởng song ở lĩnh vực tài chính thì tồn tại rủi ro lớn” - ông Andrew Naylor, Giám đốc Tập đoàn tư vấn Cicero (Singapore), nhận định.
Khi được hỏi về tác động của Brexit đối với EFD trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 24-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Tôi nghĩ rằng các nước liên quan cần thời gian để xem xét thấu đáo tình hình mới. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Anh cũng như chủ động phát triển quan hệ với các nước EU”. Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa Xã nhận định: “Brexit có thể làm lung lay vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của London, qua đó gây trở ngại cho tốc độ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ”.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể là bên thắng lớn trong sự kiện Brexit bởi một EU sứt mẻ sẽ khó lòng đối trọng với nước này. Theo hãng tin Bloomberg, sau thời gian ngắn bị ảnh hưởng bởi sự chao đảo của EU - đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, Bắc Kinh nhiều khả năng gặt hái lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị. Khi còn đầy đủ thành viên, EU có thể buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và tuân thủ luật chơi công bằng. Nhưng tình thế hiện nay, cộng thêm việc các nước châu Âu tìm cơ hội đầu tư riêng rẽ ở Trung Quốc đã vô tình tiếp sức cho kế sách “chia để trị” của Bắc Kinh. Chính trị cũng vậy, tiếng nói của EU sẽ không còn đủ mạnh mẽ để gây sức ép về những vấn đề như tự do hàng hải hay nhân quyền.
Hỗn loạn cảm xúc
Các hashtag nở rộ trên mạng xã hội ở Anh hôm 24-6 lột tả đủ loại cảm xúc đối với Brexit. Nếu các hashtag “Not in my name” (Không nhân danh tôi), “What have we done” (Chúng ta làm gì thế này), Regexit (Hối tiếc vì ra đi) là nỗi thất vọng chen lẫn bất mãn thì “Londependence” (London độc lập), ScotLond (Scotland và London) đại diện cho những kêu gọi… ly khai thủ đô London và Scotland để tiếp tục ở lại EU.
Theo Reuters, thị trường chứng khoán toàn cầu mất khoảng 2.000 tỉ USD giá trị chỉ trong ngày 24-6, còn đồng bảng Anh mất giá chưa từng thấy trong 30 năm qua. Hiện thực bão táp này khiến nhiều người Anh chọn “ra đi” hốt hoảng. “Tôi ước gì mình được bỏ phiếu lần nữa và lần này tôi sẽ chọn khác” - cô sinh viên Mandy Suthi nói với báo Evening Standard. Còn người đàn ông tên Adam nhận không ít “gạch đá” khi thật thà trả lời đài BBC: “Tôi không nghĩ là phiếu của tôi sẽ ảnh hưởng nhiều. Tôi tưởng kiểu gì chúng ta cũng ở lại”.
Cũng trong ngày 24-6, Google ghi nhận sự tăng vọt về số lượng tìm kiếm các câu hỏi như “Brexit là gì?”, “Vì sao chúng ta nên ở lại EU?”, “Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta rời EU?”, “Nước nào thuộc EU?”... và thậm chí còn có “EU là gì?”. Nhưng khổ nỗi, chuyện này xảy ra khi cuộc trưng cầu đã xong xuôi. Theo báo The Washington Post, dường như nhiều người dân Anh không rõ lắm về điều họ đã làm!
Đặc biệt, nhiều người trẻ đổ lỗi cho những cử tri lớn tuổi. Kết quả bỏ phiếu cho thấy 73% cử tri trong độ tuổi 18-24 chọn “ở lại” nhưng chỉ có 40% cử tri trên 65 tuổi có cùng lựa chọn. “Thế hệ trẻ đã mất quyền được sống và làm việc tại 27 quốc gia khác. Chúng tôi sẽ không bao giờ biết được mình bị tước đoạt bao nhiêu cơ hội nghề nghiệp, kết bạn, lập gia đình...” - một bạn đọc phản hồi trên báo Financial Times.
Những diễn biến trên có thể lý giải cho việc hơn 1 triệu người ký vào thỉnh nguyện thư đòi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân thứ hai. Nhưng giả dụ Anh muốn quay lại, chưa chắc EU đã niềm nở đón chào. Sau cuộc họp khẩn ngày 25-6, ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU (Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan) nhất trí sẽ tiến hành các cuộc thảo luận “ra đi” với Anh càng sớm càng tốt. Đây cũng là khẳng định trong tuyên bố chung được các lãnh đạo EU đưa ra trước đó một ngày, bất chấp việc Thủ tướng Anh David Cameron “nhường” người kế nhiệm (dự kiến được bầu trước đại hội Đảng Bảo thủ vào tháng 10 tới) bắt đầu tiến trình đưa Anh rời khỏi EU.
Hải Ngọc
Bình luận (0)