Đó là nhận định được đưa ra trong một chương trình của Đài CBS (Mỹ) vào cuối tuần rồi.
Tuy nhiên, tờ New York Post nhận định những lời lẽ trên chưa phản ánh đúng bản chất vụ việc.
Theo tờ báo, các cấp lãnh đạo cao nhất của Washington đã cố tình bao che Riyadh trong vụ khủng bố 11-9-2001. Sự bao che này này không chỉ thể hiện qua hành động bảo mật tập tài liệu “28 trang” về mối liên hệ của Ả Rập Saudi với vụ tấn công. Các nhân viên điều tra bị cản trở, còn những kẻ thông đồng vẫn sống nhởn nhơ.
Nhiều cuộc điều tra khi đó đều dẫn tới Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Washington cũng như Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại TP Los Angeles. Tuy nhiên, các nhân viên điều tra được yêu cầu không theo đuổi những manh mối phát hiện được với lý do chung chung là “quyền miễn trừ ngoại giao”.
Báo cáo điều tra của Quốc hội Mỹ bị “thất lạc” một số trang, trong đó có một chương nói về “sự hỗ trợ từ nước ngoài dành cho những kẻ không tặc 11-9-2001”.
Số trang tài liệu trên đề cập chi tiết “bằng chứng không thể chối cãi” do Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thu thập: sự hỗ trợ chính thức của Ả Rập Saudi dành cho 2 trong số những tên không tặc sống ở TP San Diego.
Một số thông tin bị rò rỉ từ tập tài liệu được biên soạn lại, cho thấy hàng loạt cú điện thoại giữa một trong những người huấn luyện 2 tên không tặc ở San Diego và Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Washington.
Tài liệu cũng cho thấy gia đình Hoàng tử Bandar bin Sultan – Đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ lúc đó – còn chuyển 130.000 USD cho một người huấn luyện khác của 2 tên không tặc nói trên trước ngày 11-9-2001.
Một điều tra viên từng làm việc với Lực lượng Đặc nhiệm Kết hợp Chống khủng bố (JTTF, trụ sở ở Washington) than phiền rằng thay vì điều tra Hoàng tử Bandar, Mỹ lại bảo vệ ông ta theo đúng nghĩa đen. Người này khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử nhân viên an ninh bảo vệ Hoàng tử Bandar không chỉ ở Đại sứ quán mà còn tại căn thiệt thự ở McLean, bang Virginia.
Điều tra viên nói thêm JTTF muốn bỏ tù một số nhân viên Đại sứ quán Ả Rập Saudi nhưng sau đó hộ chiếu ngoại giao của họ bị thu hồi như một sự thỏa hiệp.
Cựu nhân viên FBI John Guandolo, người đã tham dự cuộc điều tra 11-9-2001, cho rằng Hoàng tử Bandar cần bị xem là nghi can chính trong vụ khủng bố: “Ông ta tài trợ cho 2 tên không tặc (ở San Diego) thông qua bên thứ ba nên phải bị xem là một nghi can khủng bố”.
Nhưng sau cuộc gặp giữa Hoàng tử Bandar và Tổng thống Bush tại Nhà Trắng, người ta nhìn thấy FBI sơ tán hàng chục quan chức Ả Rập Saudi khỏi các thành phố của Mỹ, trong đó có ít nhất một người thân của trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden.
Cũng như thay vì chất vấn, FBI hộ tống các quan chức Ả Rập này dù vào thời điểm đó, Washington xác định được 15/19 tên không tặc là công dân Ả Rập Saudi.
Cựu đặc vụ FBI Mark Rossini cho biết cơ quan này bị Nhà Trắng cản trở phỏng vấn những “nghi can” Ả Rập Saudi nói trên. Còn cựu cảnh sát hạt Fairfax, trung úy Roger Kelly, thì nói rằng “FBI bịt tai của họ lại mỗi khi nghe chúng tôi nhắc đến những người Ả Rập Saudi. Đó là vấn đề nhạy cảm liên quan tới chính trị không nên bàn tới”.
Bình luận (0)