Theo đó, các cuộc thử nghiệm quan trọng đã không được thực hiện cũng như đã có những sự trì trệ trong việc xây dựng các địa điểm phòng thủ tên lửa ở Ba Lan. Tác giả Michael Peck cho rằng tất cả những yếu tố đó có nghĩa là lá chắn phòng thủ tên lửa ở châu Âu có thể có kẽ hở.
Trong khi đó, Iran đã xây dựng một kho tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) về lý thuyết có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân nếu Iran phát triển chúng.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA) chi mới thực hiện 7/11 cuộc thử nghiệm theo kế hoạch trong năm 2018, tức 64%, theo dữ liệu của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ. Đồng thời, những rắc rối với các nhà thầu đã làm trì hoãn đến 18 tháng việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan.
Chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu (EPAA) đã được khởi động từ thời chính quyền Barack Obama và trải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn I, hoàn tất năm 2012, bao gồm một radar phòng thủ tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và trung tâm chỉ huy ở Đức, hỗ trợ các tàu chiến của hải quân Mỹ được trang bị phiên bản hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis dành cho hải quân.
Giai đoạn II đã hoàn tất năm 2016, khi địa điểm bố trí Aegis ở Romania đi vào vận hành. Sự trì trệ đã xảy ra ở giai đoạn III, Aegis ở Ba Lan lẽ ra đã phải sẵn sàng hoạt động.
Các địa điểm Aegis ở Romania và Ba Lan là các phiên bản trên mặt đất của Aegis dành cho hải quân, mỗi hệ thống bao gồm một radar SPY-1 mạnh mẽ và 24 tên lửa đánh chặn SM-3. Các hệ thống Aegis này nhằm mục đích ngăn chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
Thực ra, giai đoạn III bị trì hoãn sẽ cho hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu có thời gian để giải quyết một vấn đề lớn đã xảy ra với lá chắn phòng thủ từ những năm 1960: Làm thế nào ngăn chặn được nhiều tên lửa và đầu đạn mà hệ thống không bị áp đảo?
Kế hoạch ban đầu của MDA, bao gồm 5 lần đánh chặn IRBM qua 3 cuộc thử nghiệm, bao gồm các thử nghiệm để đánh giá khả năng chống lại các cuộc tấn công nhỏ đòi hỏi đánh chặn cùng một lúc nhiều tên lửa.
Tuy nhiên, chương trình hiện tại đã giảm số lượng cuộc thử nghiệm đánh chặn IRBM và không bao gồm thử nghiệm bay chống lại cuộc đột kích cho đến khi khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu giai đoạn III được tuyên bố hoàn thành.
Thử nghiệm ít hơn có nghĩa là có ít dữ liệu hơn để bảo đảm rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu hoạt động theo kế hoạch.
Giai đoạn 3 EPAA dự định cung cấp khả năng phòng thủ mạnh mẽ chống lại IRBM và các cuộc tấn công nhiều mục tiêu. Thế nhưng, các cuộc thử nghiệm để chứng minh khả năng trên đã bị giảm từ 5 xuống còn 1.
Văn phòng Kiểm toán Chính phủ kết luận: "Công việc trước đây của chúng tôi đã chỉ ra rằng việc vận hành hệ thống với dữ liệu thử nghiệm hạn chế có thể dẫn đến việc phát hiện các vấn đề về hiệu suất hoạt động một cách muộn màng và tốn kém. Đánh giá kỹ lưỡng hơn về các khả năng và hạn chế của hệ thống có thể giảm thiểu rủi ro đó bằng cách xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc hơn".
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!