Bộ Y tế Ấn Độ hôm 2-5 thông báo số ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ là 392.488, thấp hơn chút ít so với mức cao kỷ lục 401.993 được công bố một ngày trước đó. Các bệnh viện, nhà xác và lò hỏa táng tại nước này đã quá tải trong bối cảnh số ca Covid-19 mới hằng ngày đạt trên mức 300.000 trong hơn 10 ngày liên tiếp. Chưa hết, gia đình nhiều bệnh nhân phải vật lộn với tình trạng thiếu thuốc men và ôxy, buộc nhiều nước gửi viện trợ khẩn cấp để giúp Ấn Độ chống chọi làn sóng Covid-19 thứ hai hiện nay.
Ngoài ra, theo Reuters, Odisha hôm 2-5 trở thành bang mới nhất thông báo phong tỏa toàn bang trong 2 tuần. Cùng ngày, tờ Indian Express đưa tin lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 ở Ấn Độ đã đề nghị chính phủ liên bang áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Đó cũng là lời khuyên được ông Anthony Fauci, cố vấn y tế Nhà Trắng, đưa ra hôm 1-5.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng rồi khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để tránh viễn cảnh cả nước bị phong tỏa, xuất phát từ nỗi lo bước đi này có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trước mắt, quốc gia Nam Á này hôm 1-5 bắt đầu giai đoạn 3 của chiến dịch tiêm chủng Covid-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Tính từ tháng 1 cho đến giờ, hơn 156 triệu liều vắc-xin đã được tiêm cho người dân Ấn Độ.
Một máy bay Nga chở hàng viện trợ y tế đến TP Kolkata - Ấn Độ hôm 2-5Ảnh: REUTERS
Một điểm nóng Covid-19 khác tại châu Á là Thái Lan, quốc gia hôm 2-5 tiếp tục ghi nhận 21 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày (ngang với con số cao kỷ lục 1 ngày trước đó); số ca mới là 1.940. Theo báo Bangkok Post, giới chức y tế hiện tập trung đối phó tình trạng lây nhiễm trong các hộ gia đình khi số ca mới trong các thành viên gia đình tiếp tục tăng ở mức báo động. Thái Lan hiện đã tiêm vắc-xin cho gần 1,5 triệu người và dự kiến tiến hành một chương trình quy mô lớn vào tháng 6 tới với mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành.
Còn tại Malaysia, lệnh kiểm soát đi lại (MCO) kéo dài 2 tuần sẽ được thực thi tại một số bang và thành phố từ ngày 3-5 nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan theo sau sự gia tăng của các ca bệnh trong 2 tuần qua. Theo báo The Star, MCO mới nói trên sẽ giống với MCO có hiệu lực hồi tháng 1-2021 tại một số địa phương của đất nước. Theo đó, các hoạt động kinh tế vẫn được phép diễn ra nhưng trường học bị đóng cửa và các hoạt động xã hội, tôn giáo tạm ngưng.
Bộ Y tế Malaysia hôm 2-5 thông báo số ca Covid-19 mới tại nước này trong 24 giờ là 3.418. Tình hình dịch bệnh phức tạp buộc Thủ tướng Muhyidin Yassin hoãn chuyến thăm chính thức đến Singapore, dự kiến diễn ra trong ngày 3-5. Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia hôm 2-5 thông báo thêm 730 ca nhiễm và 6 trường hợp tử vong vì Covid-19. Singapore cùng ngày cho biết trong số 39 ca Covid-19 mới có 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nước này trước đó một ngày có ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 sau hơn một tháng. Riêng Philippines có thêm 8.346 ca mới, theo số liệu được công bố hôm 2-5. Nhà chức trách nước này hôm 1-5 kéo dài lệnh hạn chế đi lại và tụ tập đông người tại vùng thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận thêm 2 tuần.
Diễn biến Covid-19 tại một số nước khác cũng nêu bật hiểm họa dai dẳng của dịch bệnh này. Chẳng hạn như Brazil hiện là quốc gia Mỹ Latin bị "trúng đòn" Covid-19 nặng nề nhất với hơn 400.000 ca tử vong (chỉ đứng sau Mỹ) và hơn 14,7 triệu ca nhiễm. Trong khi đó, Canada đang phải chống chọi với đợt bùng phát Covid-19 mạnh mẽ tại tỉnh Ontario, nơi công bố 3.369 ca mới hôm 1-5. Lực lượng vũ trang đã được điều động đến tỉnh này để giúp ứng phó dịch bệnh và chăm sóc bệnh nhân nặng.
Sáng kiến COVAX bị ảnh hưởng
Báo The New York Times hôm 1-5 cho biết số ca Covid-19 mới trên thế giới đã tăng mạnh kể từ đầu tháng 3-3021. Sự gia tăng này phần lớn đến từ cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ, nơi hiện chiếm hơn 40% số ca mới của thế giới. Một số nước ở châu Mỹ như Uruguay, Paraguay, Brazil, Peru, Argentina, Colombia... cũng đang trong xu hướng đáng lo ngại liên quan đến Covid-19. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải thực hiện biện pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 29-4 đến 17-5 trong nỗ lực ngăn dịch bệnh.
Không gì lạ khi đài CNN nhận định thế giới đang ở giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dành cho Ấn Độ nhưng không quên nhắc nhở rằng dịch bệnh vẫn còn căng thẳng tại nhiều nước. Khi đại dịch mới bùng phát cách đây hơn 1 năm, chính ông Tedros đã nhấn mạnh: "Con đường phía trước là đoàn kết: đoàn kết ở cấp quốc gia và đoàn kết ở cấp toàn cầu". Dù vậy, những gì đang diễn ra cho thấy lời kêu gọi của ông Tedros về một phản ứng phối hợp toàn cầu vẫn chưa được quan tâm đúng mực.
Sáng kiến COVAX (có sự tham gia của WHO) được xem là "giải pháp toàn cầu thật sự duy nhất" cho cuộc khủng hoảng bằng cách bảo đảm sự tiếp cận công bằng đối với vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, COVAX hiện phụ thuộc rất nhiều vào năng lực sản xuất vắc-xin Astra-Zeneca tại Ấn Độ. Tình hình dịch bệnh xấu đi buộc New Delhi chuyển trọng tâm từ COVAX sang ưu tiên cho người dân trong nước. Cùng lúc đó, các nước phương Tây đang bị chỉ trích vì tích trữ vắc-xin. Một số quốc gia như Mỹ, Canada, Anh đã đặt mua nhiều vắc-xin hơn mức họ cần.
Huệ Bình
Bình luận (0)