Trong vụ mới nhất, ít nhất một người thiệt mạng và 10 người bị thương khi một chiếc xe tải lao vào đám đông bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô London sau lễ cầu nguyện rạng sáng 19-6. Cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông 48 tuổi nghi có liên quan trong lúc nhà chức trách điều tra vụ việc được gọi là tấn công khủng bố này.
Hồi đầu tháng 6, vụ tông xe tải vào người đi đường ở Cầu London và tấn công bằng dao ở khu chợ Borough khiến 8 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. 3 kẻ tấn công Hồi giáo cực đoan đã bị cảnh sát tiêu diệt. Trước đó, buổi hòa nhạc ở TP Manchester bị đánh bom tự sát khiến hơn 20 người thiệt mạng. Theo báo Daily Mail (Anh), Phó cảnh sát trưởng London Neil Basu cho biết đây là khoảng thời gian đầy thách thức đối với London nhưng ông cam kết cảnh sát sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ người dân.
Hiểm họa khủng bố còn lan sang Mali sau khi ít nhất 2 người thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào khu nghỉ dưỡng sang trọng Le Campement Kangaba phía Đông thủ đô Bamako hôm 18-6. Bộ trưởng An ninh Mali cho biết các lực lượng an ninh đã tiêu diệt ít nhất 4 kẻ cực đoan và giải thoát khoảng 32 con tin. Hiện chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm.
Cảnh sát đưa người bị thương lên xe cấp cứu sau vụ tông xe ở London - Anh hôm 19-6 Ảnh: REX
Trong khi đó, quân đội Ả Rập Saudi cho biết đã ngăn chặn một cuộc tấn công nhằm vào mỏ dầu Marjan ngoài khơi nước này. Vụ việc xảy ra hôm 16-6 khi 3 con tàu đi về phía mỏ dầu, dẫn đến cảnh báo của lực lượng an ninh. Một tàu đã bị bắt giữ nhưng 2 tàu còn lại chạy thoát. Theo AP, chiếc tàu bị bắt chở đầy vũ khí. Chưa rõ ai đứng sau vụ việc nói trên.
Tại châu Á, nhiều người lo sợ thiên đường nghỉ dưỡng Maldives chưa được trang bị đầy đủ để đối phó mối đe dọa khủng bố sau vụ Yameen Rasheed, 29 tuổi, người có tiếng nói mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, bị giết hại hồi tháng 4 tại đảo quốc này. Vào mùa hè năm ngoái, chính phủ Maldives đã đưa ra chính sách đầu tiên về chống khủng bố, kêu gọi nâng cao an toàn tại các khu nghỉ mát và kiểm tra an ninh tại các cảng biển cũng như sân bay.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng động thái trên vẫn chưa đủ mà chỉ là phản ứng nhất thời sau khi chính quyền Maldives buộc phải thừa nhận mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan nhằm vào du khách.
Trong khi đó, hải quân Indonesia, Malaysia và Philippines hôm 19-6 tiến hành tuần tra chung trong nỗ lực chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia ở biển Sulu. Các hoạt động chung trên không và trên bộ dự kiến cũng được tiến hành để bảo vệ biển Sulu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa quân đội Philippines và hàng trăm tay súng 2 nhóm Maute và Abu Sayyaf kéo dài sang tuần thứ 4.
Bình luận (0)