NDMA (có tên đầy đủ là N-nitrosodimethylamine) là sản phẩm phụ hình thành trong quá trình khử trùng nước uống bằng clo và bị xem là chất gây ô nhiễm mới bên cạnh những hóa chất liên quan gọi chung là nitrosamine.
Các mẫu nước được lấy từ 155 khu vực, trong đó có nước máy và nước đã qua xử lý tại nhà máy. Theo nghiên cứu, hàm lượng NDMA bình quân trong nước đã qua xử lý tại các khu vực trên là 11 nanogram/lít và trong nước máy là 13 nanogram/lít. Tuy nhiên, hai con số này tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử lần lượt là 27 nanogram/lít và 28,5 nanogram/lít - một tỉ lệ có nguy cơ gây ung thư đường tiêu hóa.
“Hàm lượng NDMA trong nước uống là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi nhiều nghiên cứu và điều chỉnh mang tính hệ thống. Ô nhiễm rác thải và công nghiệp được cho là nguyên nhân làm tăng hàm lượng NDMA” - ông Trần Triệu, giáo sư Khoa Môi trường Trường ĐH Thanh Hoa và là người dẫn đầu nghiên cứu trên, nói với tờ Science and Technology Daily (Trung Quốc).
Hiện Trung Quốc chưa đưa NDMA vào quy định về tiêu chuẩn chất lượng nước uống nhưng ông Trần Triệu tin rằng điều này có thể sớm thay đổi. Trong khi đó, ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Đăng ký ung thư quốc gia Trung Quốc, xác nhận có mối liên hệ giữa nitrosamine và ung thư ở người nhưng nhấn mạnh mối đe dọa chỉ đến từ hàm lượng cao của những hóa chất loại này.
Bình luận (0)