Một ngày sau khi Triều Tiên công bố kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ, giới phân tích và cựu quan chức quốc phòng Mỹ hôm 11-8 cảnh báo bất kỳ xung đột quân sự nào với Bình Nhưỡng cũng có thể nhanh chóng leo thang với việc sử dụng vũ khí hạt nhân, đe dọa gây thương vong lớn chưa từng có kể từ Thế chiến 2 và những tác động khôn lường đến kinh tế thế giới.
Thảm họa về nhân mạng
Ngay cả một cuộc xung đột truyền thống cũng gây thảm họa về nhân mạng, nhất là khi hàng ngàn khẩu pháo Triều Tiên được triển khai dọc biên giới với Hàn Quốc. Trong số này, theo Reuters, ít nhất 1.000 khẩu có khả năng bắn tới thủ đô Seoul và khu vực xung quanh, nơi 25 triệu dân đang sinh sống.
Ông David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, dự báo con số thương vong chỉ tính riêng ở Hàn Quốc có thể lên đến hàng chục ngàn và không loại trừ khả năng Triều Tiên tấn công cả Nhật Bản.
Nỗi lo lớn hơn là trong trường hợp Mỹ tấn công phủ đầu các cơ sở vũ khí của Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể sử dụng vũ khí sinh hóa học và hạt nhân để đáp trả, khiến thương vong lên đến hàng triệu người. Ông Hans Kristensen, Giám đốc Chương trình thông tin hạt nhân tại Liên đoàn Nhà khoa học Mỹ, cảnh báo nhiều thành phố ở Hàn Quốc và Nhật Bản có thể biến mất khỏi bản đồ nếu kịch bản thế xảy ra.
Về lâu dài, tác động của các vụ tấn công có thể lan đến bờ Tây nước Mỹ và xa hơn thế. Ngoài ra, ông Philip Yun, cựu cố vấn về châu Á thời cựu Tổng thống Bill Clinton, chỉ ra thiệt hại không chỉ dừng lại ở nhân mạng bởi Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là hai nền kinh tế lớn thứ 11 và 3 thế giới.
Du khách tại bãi biển Tumon trên đảo Guam hôm 11-8 Ảnh: Reuters
Mỹ - Hàn không hoãn tập trận
Ngay cả khi xảy ra kịch bản ít đẫm máu nhất - Triều Tiên bị đánh bại và không bị vũ khí hạt nhân tàn phá, việc khắc phục hậu quả chiến tranh cũng gây ra không ít thách thức lớn, như ai sẽ trông coi những gì còn lại của Bình Nhưỡng và làm sao để nuôi sống 25 triệu dân đất nước này.
Bên cạnh đó, ông Harry J. Kazianis, Giám đốc chuyên nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ), còn chỉ ra một vấn đề đáng chú ý khác: Các nước bên ngoài nghĩ gì về một bán đảo Triều Tiên thống nhất? Theo ông Kazianis, điều người ta quan tâm là Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao nếu thấy một quốc gia duy nhất trên bán đảo Triều Tiên có thể là đồng minh mạnh mẽ của Washington, tiếp tục cho binh sĩ Mỹ đồn trú và về lâu dài trở thành đối trọng của mình tại khu vực.
Không khó để biết câu trả lời nếu dựa vào phản ứng của truyền thông Trung Quốc hôm 11-8. Cụ thể, tờ Global Times cảnh báo nếu Mỹ và Hàn Quốc tấn công trước và tìm cách lật đổ chính phủ Triều Tiên, Trung Quốc sẽ ra tay ngăn chặn. Còn trong trường hợp Bình Nhưỡng phóng tên lửa đe dọa lãnh thổ Mỹ và Washington trả đũa, Bắc Kinh sẽ không đứng về bên nào.
Cho đến giờ, không nhiều người tin rằng chiến tranh Mỹ - Triều sẽ nổ ra trong nay mai. Tuy nhiên, cũng không có nhiều dấu hiệu cho thấy ngòi nổ chiến tranh sớm được tháo dỡ. Trong phản ứng đầu tiên sau khi Triều Tiên nói đang lên kế hoạch phóng 4 tên lửa Hwasong-12 về phía đảo Guam, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10-8 (giờ địa phương) cho rằng những phát biểu của mình về Triều Tiên vẫn chưa đủ cứng rắn dù trước đó nhà lãnh đạo này đe dọa Bình Nhưỡng sẽ phải hứng chịu "hỏa lực và cơn cuồng nộ".
Những động thái quân sự mới nhất cũng khiến bầu không khí thêm u ám. Theo AP, giới chức Mỹ và Hàn Quốc dự định vẫn tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn, gọi là "Người bảo vệ tự do Ulchi", từ ngày 21 đến 31-8 tới với sự tham gia của hàng chục ngàn binh sĩ hai nước.
Dư luận lo ngại cuộc tập trận làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố ngoài ý muốn hoặc phản ứng thái quá, khiến căng thẳng thêm leo thang. Bình Nhưỡng ngày càng phản ứng mạnh với các cuộc tập trận Mỹ - Hàn gần đây vì chúng có nội dung tấn công nhằm tiêu diệt giới lãnh đạo nước này.
Bình luận (0)