Đến thập niên 1990, trừng phạt được nới lỏng khi Hàn Quốc bắt đầu tìm cách nối lại quan hệ với Triều Tiên. Năm 1994, Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton còn ký "Thỏa thuận khung" với Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc Triều Tiên tiếp tục phát triển hạt nhân và chính thức rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân vào năm 2003 khiến họ hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt. Đến nay, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc lần lượt ban hành 11 lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên vào các năm 2006 (Nghị quyết 1718), 2009 (Nghị quyết 1874), 2013 (Nghị quyết 2087 và 2094), 2016 và 2017 - gần như sau mỗi lần Bình Nhưỡng thử tên lửa, hạt nhân.
Ban đầu, trừng phạt tập trung ngăn chặn hoạt động mua bán các vật liệu, hàng hóa dùng để chế tạo vũ khí; sau đó mở rộng ra cấm vận hàng hóa xa xỉ và nhắm vào giới tinh hoa Triều Tiên. Tiếp đó, các lệnh trừng phạt phủ rộng lên tài sản tài chính, giao dịch ngân hàng, đi lại và thương mại.
Triều Tiên cho rằng đời sống người dân đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt Ảnh: NK NEWS
Trong cuộc họp báo chiều 28-2 trước khi rời Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump giải thích nguyên nhân Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 không đi đến thỏa thuận chung là do Triều Tiên muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt; đổi lại, họ sẽ tháo dỡ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon.
Tuy nhiên, đến 0 giờ hôm sau, Triều Tiên bất ngờ tổ chức họp báo tại Hà Nội. Tại đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho khẳng định Bình Nhưỡng chỉ đề xuất dỡ bỏ 5 trong tổng số 11 lệnh trừng phạt nói trên, với lý do chúng đang hủy hoại đời sống của người dân Triều Tiên.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, đây là 5 lệnh trừng phạt chính của HĐBA đối với Triều Tiên, được ban hành trong 2 năm 2016 (Nghị quyết 2270 và 2321), 2017 (các nghị quyết 2371, 2375, 2397), nhắm vào hoạt động xuất khẩu than đá, kim loại, đồ dệt may, hải sản, xuất khẩu lao động (vốn là những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng) và nhập khẩu dầu. Một khi được tháo dỡ, sẽ rất khó để khôi phục các lệnh trừng phạt này, bởi không dễ thuyết phục Trung Quốc và Nga bỏ phiếu thông qua một lần nữa. Gần đây, hai nước nắm quyền phủ quyết tại HĐBA nói trên nhiều lần đề xuất dỡ bỏ hoặc giảm nhẹ trừng phạt Triều Tiên.
Bên cạnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên còn phải hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt đơn phương do Mỹ và nhiều đồng minh (như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc) áp đặt. Ngay cả Trung Quốc hồi tháng 2-2017 cũng tuyên bố cấm nhập khẩu than đá, hàng dệt may từ Triều Tiên và cấm xuất khẩu một số sản phẩm xăng dầu cho láng giềng.
Có rất nhiều tranh cãi xoay quanh hiệu quả của các lệnh trừng phạt này. Nhiều chuyên gia cho rằng chúng vô ích và phản tác dụng, bởi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất là người dân Triều Tiên chứ không phải chương trình vũ khí của nước này. Ngược lại, cũng không ít ý kiến tin là trừng phạt đã siết chặt túi tiền của Triều Tiên, khiến kinh phí dành cho quân đội và chương trình hạt nhân, tên lửa... bị sụt giảm.
Bình luận (0)