Một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Environmental Health Perspectives số tháng 4-2015 cảnh báo “siêu vi khuẩn” đang lan từ các trang trại gia súc ra khắp nước Mỹ qua đường không khí.
Lạm dụng kháng sinh
Để hoàn thành cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Công nghệ Texas (Mỹ) đã dành ra 6 tháng để thu thập các hạt vật chất trong không khí tại hơn 3/4 trang trại - nuôi hơn 1.000 gia súc - ở các bang Texas, Oklahoma, Kansas, Nebraska và Colorado. Dựa vào kết quả phân tích, họ đi đến kết luận rằng con người cũng có nguy cơ bị phơi nhiễm với “siêu vi khuẩn” lây lan trong không khí.
“Đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên cho thấy chúng ta có thể đang hít thở những thứ này” - Phil Smith, nhà nghiên cứu chất độc môi trường và là một trong những tác giả của công trình khoa học nêu trên, nói với trang tin The Texas Tribune. Trước đây, người ta chỉ biết “siêu vi khuẩn” đi vào cơ thể người thông qua đường ăn uống (thịt, nước nhiễm khuẩn).
Theo nghiên cứu, mối đe dọa ngày càng tăng của “siêu vi khuẩn” đối với con người xuất phát từ việc thuốc kháng sinh đang được sử dụng nhiều trong thức ăn gia súc nhằm phòng bệnh và kích thích tăng trọng. Vấn đề là một lượng lớn kháng sinh được gia súc thải ra ngoài rồi trở nên khô và bị gió thổi đi. Các nhà nghiên cứu lo ngại một khi đến được môi trường mới, “siêu vi khuẩn” có thể truyền khả năng kháng kháng sinh của mình cho những vi khuẩn khác.
Ý kiến trái chiều
Dĩ nhiên là ngành công nghiệp gia súc đã lên tiếng phản đối nghiên cứu trên, đồng thời cho rằng các nhà khoa học thổi phồng mối đe dọa của “siêu vi khuẩn”. Theo TS Sam Ives, một bác sĩ thú y làm việc tại Hiệp hội Người chăn nuôi gia súc bang Texas, sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh trong thức ăn gia súc ít đe dọa đến sức khỏe con người.
Trái lại, một số bác sĩ đồng tình với cảnh báo mới về “siêu vi khuẩn”. Trong 10 năm điều trị bệnh nhân ở hạt Lubbock thuộc bang Texas, bác sĩ Randall Wolcott ghi nhận vi khuẩn ngày càng có khả năng chống lại thuốc kháng sinh dùng để điều trị bệnh truyền nhiễm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 2 triệu người dân nước này nhiễm “siêu vi khuẩn” mỗi năm mà thuốc kháng sinh truyền thống không có tác dụng gì, trong đó 23.000 người tử vong khi điều trị. Phát hiện nêu trên càng khiến giới khoa học lo ngại phạm vi lây lan của “siêu vi khuẩn” sẽ mở rộng, từ đó đưa con người vào “kỷ nguyên hậu kháng sinh” - thời điểm mà những loại thuốc kháng sinh truyền thống trở nên bất lực.
Trước nguy cơ này, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch mới, yêu cầu quốc hội tăng gấp đôi ngân sách lên khoảng 1,2 tỉ USD cho nỗ lực tìm kiếm biện pháp đối phó “siêu vi khuẩn” bùng phát, trong đó có việc bào chế thế hệ thuốc kháng sinh mới.
Kế hoạch còn kêu gọi ngành nông nghiệp và các cơ quan chính phủ liên quan sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh trong thức ăn gia súc nhưng lại không bắt buộc giảm bớt liều lượng. Vì thế, nữ nghị sĩ Louise Slaughter của Đảng Dân chủ tin rằng kế hoạch này chưa đủ mạnh. “Chính phủ không thể bảo vệ được họ. Họ đang đi sau thực tế đến 10 năm” - bà Slaughter nhận định với trang Politico.
Bình luận (0)