Cũng như nhiều học sinh khác tại một trường trung học dành cho nam ở Seoul - Hàn Quốc, em Young Hwan Kim, 17 tuổi, bắt đầu học từ 8 giờ đến gần 16 giờ mỗi ngày.
Quên cả mơ ước
Chưa dừng lại ở đó, nhiều học sinh còn tiếp tục ở lại trường làm bài tập tới tận khuya mới về nhà. Chính vì thế, thư viện thường phải mở cửa đến tận 23 giờ để đáp ứng nhu cầu học hành. Một số bạn trẻ khác lựa chọn các trung tâm ngoài giờ làm nơi trau dồi thêm kiến thức. Chẳng hạn như Inchae Ryu, 17 tuổi, phải trải qua 12 giờ học ở trường và học thêm tiếng Anh mỗi ngày.
Trước mặt những học sinh như Ryu và Kim là kỳ thi đại học đầy cam go. Kim nói: “Cả sự nghiệp lẫn đối tượng kết hôn sau này của em đều do kỳ thi này định đoạt. Nói chung, tương lai bọn em phụ thuộc vào nó”. Suy nghĩ trên phần nào phản ánh những áp lực mà học sinh Hàn Quốc đang đối mặt, dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng.
Đáng buồn là Ryu không thể định hình tương lai mà em đang kiệt sức hướng tới. Ryu chia sẻ bản thân bận rộn đến mức không thể suy nghĩ về nghề nghiệp yêu thích cũng như những ước mơ riêng bởi hầu hết thời gian đã phải học!
Hệ thống giáo dục tại Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nền giáo dục tốt nhất trên thế giới và đứng vị trí đầu bảng trong số 34 nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Việc học hành, thi cử luôn được chính phủ Hàn Quốc ưu tiên chăm lo. Trong thời gian thi đại học, tất cả máy bay bị cấm cất và hạ cánh còn xe cộ không được lai vãng đến gần các điểm thi. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát phải túc trực để đưa học sinh đi thi đúng giờ, còn quân đội điều chỉnh lại lịch tập trận không quân và bắn đạn thật.
Thừa chữ, thiếu sáng tạo
Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều chỉ trích về hệ thống giáo dục hiện nay ở Hàn Quốc, nổi cộm là sức ép quá lớn và nạn bắt nạt bạn học - dẫn đến tỉ lệ tự tử cao trong giới trẻ. Một báo cáo mới của Tổ chức Xúc tiến y tế Hàn Quốc nhận định nước này đang có tỉ lệ thanh thiếu niên tự tử cao thứ hai OECD. Trong khi đó, theo Viện Chính sách thanh niên quốc gia Hàn Quốc, cứ 4 học sinh thì có 1 người từng nghĩ đến chuyện kết liễu mạng sống trong năm 2012.
Ông Hwang Sun-joon, 56 tuổi, nhà nghiên cứu tại Viện Giáo dục Gyeonggi và từng làm việc tại Thụy Điển, cho rằng giáo dục Hàn Quốc quá chú trọng việc học thuộc lòng. Ông chỉ ra: “Kiểu nhồi nhét kiến thức như thế sẽ làm giảm dần khả năng suy luận. Điều đó khiến học sinh giảm khả năng sáng tạo và không thể nghĩ ra ý tưởng của riêng mình”.
Một nhân tố khác cũng bị xem là góp phần tạo ra áp lực học tập cho học sinh - đòi hỏi cao của các bậc cha mẹ. Một học sinh 16 tuổi tên Kiwon Song nhận xét với Đài Al-Jazeera: “Không phải chúng em mà chính cha mẹ là những người áp đặt môi trường cạnh tranh tại lớp học”. Đua chen dữ dội là thế song theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, khoảng 41% thanh viên vẫn còn thất nghiệp trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp đại học.
Bình luận (0)