Tại buổi hội thảo diễn ra ở Trường ĐH Chulalongkorn, một số học giả và chuyên gia Trung Quốc thừa nhận việc xây đập thủy điện trên sông Mekong có tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái sông và sinh kế của người dân địa phương. Tuy nhiên, họ cho rằng những tổn hại này có thể được giảm bớt bằng công nghệ và sự quản lý hiệu quả.
Để minh chứng cho lời lẽ bao biện nói trên, bà Feng Yan, chuyên gia của Trường ĐH Vân Nam (Trung Quốc), dẫn kết quả một cuộc khảo sát về tác động của đập Nuozhadu ở tỉnh Vân Nam hồi năm 2015.
Cụ thể, cuộc khảo sát tiến hành trên 242 gia đình phải di dời chỉ ra rằng họ hiện có "thu nhập và mức sống cao hơn" bất chấp những biến động về lối sống và kế sinh nhai do phải chuyển nơi ở. Hoàn thành năm 2012, Nuozhadu là một trong những đập lớn nhất ở thượng nguồn sông Mekong và buộc hơn 43.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Đập Nuozhadu của Trung Quốc trên sông Mekong Ảnh: WLE.CGIAR.ORG
Dù vậy, ông Chainarong Setthachua, giảng viên tại Trường ĐH Maha Sarakham (Thái Lan), tỏ ra hoài nghi. Theo ông, nhiều nghiên cứu ở Thái Lan và các nơi khác cho thấy người dân tái định cư phải chịu không ít tác động tiêu cực, từ đó làm gia tăng các vấn đề xã hội.
"Họ đối mặt một loạt thách thức lớn từ sự thay đổi đột ngột trong cuộc sống. Trong khi đó, nhiều người không thích nghi được với kế sinh nhai mới có thể thất nghiệp hoặc trở thành nạn nhân của bọn buôn người" - ông Chainarong cho hay.
Cũng theo giảng viên này, hỗ trợ tìm việc làm và đào tạo nghề không phải là giải pháp then chốt bởi không phải ai cũng có thể thích nghi với cuộc sống mới. Ông nói thêm việc tái định cư còn phá hủy cấu trúc xã hội và gia đình, từ đó làm tổn hại các cộng đồng. "Phát triển thủy điện trên sông Mekong không bền vững vì góp phần gây ra bất công xã hội và không tính đến các tác động thật sự đối với xã hội và môi trường" - ông Chainarong phản bác.
Theo tờ The Nation (Thái Lan), Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ nhất vào thủy điện trên sông Mekong bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Nước này đã xây dựng 8 đập thủy điện ở thượng nguồn sông này và đang tính thực hiện hai dự án thủy điện lớn ở Lào - gồm đập Pak Beng và đập Pak Lai.
Bình luận (0)