Tuy nhiên, các chuyên gia trấn an rằng nguy cơ các bộ phận của trạm không gian này rơi xuống khu vực đông dân cư là rất thấp.
Một trong những tín hiệu mới nhất về Thiên Cung-1 đã được Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Malaysia (Angkasa) ghi nhận hôm 30-3. Theo Angkasa, một vệt sáng lớn được quan sát trong 81 giây trên bầu trời Malaysia vào khoảng 3 giờ 19 phút (giờ địa phương) khi Thiên Cung-1 rơi từ độ cao 182.462 km xuống 182.407 km.
Angkasa khuyến cáo người dân không nên chạm tay hay nhặt bất cứ vật thể khả nghi nào. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ước tính trạm không gian này sẽ trở lại khí quyển trái đất trong khoảng thời gian từ ngày 30-3 đến 2-4.
Hình ảnh trạm không gian Thiên cung-1 rơi được hệ thống radar theo dõi của Viện Fraunhofer FHR ở Đức chụp được Ảnh: FRAUNHOFER FHR
Được phóng lên quỹ đạo từ năm 2011 để thực hiện những thí nghiệm phục vụ tham vọng đặt trạm không gian lâu dài vào năm 2023, Thiên Cung-1 bất ngờ mất kết nối với cơ quan không gian Trung Quốc vào năm 2016 và rơi tự do.
Các nguồn thạo tin cho báo China Daily biết việc dự đoán chính xác thời gian và vị trí rơi của trạm vũ trụ này là điều cực kỳ khó vì bị tác động bởi nhiều yếu tố như tính thất thường của lực cản tầng ngoài khí quyển và tốc độ rơi cực nhanh (lên đến 27.000 km/giờ).
Theo đài BBC, Ủy ban Phối hợp Xử lý rác vũ trụ của liên cơ quan không gian các nước (IADC), gồm 13 cơ quan hàng không vũ trụ do ESA đứng đầu, đang theo dõi đường đi của Thiên Cung-1. Với chiều dài hơn 10 m và nặng hơn 8 tấn, trạm không gian này lớn hơn hầu hết vật thể nào do con người tạo ra từng rơi trở lại trái đất.
Nó dự kiến bị đốt cháy một phần sau khi rơi vào khí quyển. Phần còn lại sẽ bị vỡ thành nhiều mảnh và rơi rải rác xuống một khu vực có diện tích hàng ngàn km vuông. Nhiều khả năng là tất cả đều rơi xuống biển.
Ông Holger Krag, chuyên gia của ESA, cho đài BBC hay khoảng 1,5-3,5 tấn bộ phận của Thiên Cung-1 có thể không bị đốt cháy trong khí quyển và rơi xuống trái đất.
Bình luận (0)