Xưa nay, trái đất hứng chịu rất nhiều trận “oanh kích” của các mảnh vỡ rác thải trên trời nhưng chưa gây mối quan ngại nào lớn. Lần này thì khác. Đây là trường hợp rác của một vệ tinh thăm dò khí tượng thuộc loại lớn nhất trong hơn 30 năm nay.
Với vận tốc tuy thấp hơn vận tốc âm thanh (1.236 km/giờ), một mảnh vỡ nặng vài chục gam cũng nguy hiểm đối với con người. Đằng này, theo những tính toán mới nhất của các nhà khoa học ở Cơ quan Không gian Mỹ (NASA), mỗi mảnh vỡ của vệ tinh nghiên cứu thượng tầng khí quyển trái đất (gọi tắt là UARS) nặng trung bình 158 g. Nếu chẳng may, nó rơi trúng một người hay một ngôi nhà nào đó thì hậu quả thật không lường.
Khi nào và ở đâu?
UARS của NASA to bằng chiếc xe buýt được tàu con thoi Discovery đưa lên quỹ đạo trái đất năm 1991. Nhiệm vụ của chiếc vệ tinh nặng 6,5 tấn trị giá 750 triệu USD này là nghiên cứu tầng ozone và các hợp chất hóa học khác ở thượng tầng khí quyển để tìm hiểu tác động của chúng lên khí hậu trái đất, đặc biệt tìm hiểu tác động của con người lên tầng ozone và hiện tượng khí hậu bị biến đổi.
Hiện có khoảng 22.000 rác vũ trụ lớn hơn 10 cm đang bay quanh trái đất. Ảnh: AP
Điều này có nghĩa là thứ sáu này (hay thứ năm hoặc thứ bảy), xác UARS sẽ quay đầu về trái đất, bay xuyên qua bầu khí quyển trái đất, nhiệt độ ma sát sẽ khiến nó bùng cháy và tan vỡ thành mảnh vụn. Phần lớn các mảnh sẽ tan trong không khí, một số mảnh, do chất liệu cứng cáp hơn, sẽ “oanh kích” mặt đất với tốc độ kinh hoàng.
Tỉ lệ “chạm trán”cực thấp
Tỉ lệ rơi xuống mặt đất hay vùng dân cư hoặc trúng người là cực kỳ thấp. Diễn đạt theo ngôn ngữ dân chơi xổ số, tỉ lệ rơi trúng con người là vào khoảng 1/20.000 tỉ lần! Bởi vậy, theo NASA, không có gì mà hoảng sợ.
Vả lại, chưa có tiền lệ “chạm trán chết người” trong lịch sử. Năm 1979, chiếc vệ tinh Skylap, lớn gấp 15 lần so với UARS, khi rớt xuống đất đã tạo ra một “cơn mưa” mảnh vụn trên Ấn Độ Dương và miền Tây nước Úc nhưng hoàn toàn vô hại.
Không được lấy làm của
Hiện giờ có khoảng 22.000 vật nhân tạo vô dụng bay trên quỹ đạo thấp của trái đất mà người ta gọi là rác vũ trụ đang được quân đội Mỹ theo dõi rất kỹ. Bởi vì không gian vũ trụ không hoàn toàn trống rỗng mà có một lớp bụi rất mỏng khiến cho các vật bay mất dần tốc độ và đến lúc nào đó sẽ rơi xuống đất.
Từ năm 1995, NASA đã triển khai các biện pháp kiểm soát những vệ tinh có kích thước lớn và cho nó rơi xuống Thái Bình Dương. Biện pháp này đã được áp dụng cho Trạm Không gian quốc tế (ISS) lớn gấp 80 lần UARS. Nếu để nó rơi tùy hứng như UARS, tai họa sẽ khó lường. NASA tính toán rằng khi ISS hết nhiệm vụ, họ sẽ phóng một con tàu vũ trụ “dìu” nó rơi xuống Thái Bình Dương một cách bình an.
Khi mảnh vỡ UARS rơi xuống đất, NASA khuyến cáo người dân bất cứ ở đâu cũng không nên lấy làm của vì sở hữu chủ của nó là NASA. Mấy năm trước có một người đàn ông ở Texas tìm thấy một mảnh vụn hình nón của tên lửa Mỹ. NASA và Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu mảnh vỡ đó.
Kỳ tới: Những vụ va chạm hú hồn
Bình luận (0)