Kết quả này có được sau khi hội nghị phải kéo dài thêm 2 ngày so với dự kiến do một loạt bất đồng giữa các nước giàu và nghèo, trong đó có vấn đề cắt giảm khí thải, việc đóng góp tài chính và nguồn lực để đối phó biến đổi khí hậu.
Theo thỏa thuận, các nước được yêu cầu đưa ra kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của riêng mình vào đầu năm tới để làm cơ sở cho một thỏa thuận toàn cầu mới, dự kiến được ký kết tại hội nghị diễn ra ở thủ đô Paris - Pháp vào cuối năm 2015.
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Peru hôm 13-12
Ảnh: Reuters
Các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, tỏ thái độ hài lòng với văn kiện này sau khi bác bỏ nội dung bản dự thảo trước đó với lý do nó đặt quá nhiều gánh nặng lên họ, đồng thời giảm bớt trách nhiệm của nước giàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javedekar cho biết nội dung thỏa thuận yêu cầu các nước giàu phải đi đầu trong nỗ lực cắt giảm khí thải cũng như phải hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, theo đài BBC, các nhóm hoạt động môi trường đã chỉ trích thỏa thuận trên là một sự thỏa hiệp “không mang lại kết quả như mong muốn”. Bản thân Bộ trưởng Môi trường Peru Manuel Pulgar Vidal, chủ tịch hội nghị, cũng thừa nhận thỏa thuận dù chứa đựng lập trường của mọi nước nhưng vẫn chưa hoàn hảo.
Bình luận (0)