Theo hãng tin Interfax hôm 25-12, đợt tập trận diễn ra ở nhiều khu vực gần Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014, hai vùng Rostov và Kuban ở miền Nam nước Nga.
Tài liệu do báo The Washington Post có được bao gồm các bức ảnh vệ tinh cho thấy Nga tiếp tục tập trung quân sự tại bán đảo Crimea và gần biên giới Ukraine trong những tuần gần đây. Việc Nga huy động hàng chục ngàn binh lính ở gần phía Bắc, phía Đông và miền Nam của Ukraine khiến Kiev và phương Tây lo sợ Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công.
Tuy nhiên, Nga phủ nhận bất kỳ kế hoạch nào như vậy, nói rằng họ cần sự bảo đảm của phương Tây, bao gồm lời hứa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc không mở rộng về phía Đông đến gần biên giới của Nga, vì an ninh của Nga đang bị đe doạ khi Ukraine trở nên thân thiết với liên minh của phương Tây.
Quân đội Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin trong cuộc tập trận quân sự ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 23-12. Ảnh: AP
Moscow luôn khẳng định việc họ triển khai binh lính là quyền của họ khi nào thấy cần thiết.
Ước tính số lượng binh lính Nga tập trung gần biên giới dao động từ 60.000 – 90.000. Tài liệu tình báo của Mỹ cho rằng con số có thể lên đến 175.000.
Interfax dẫn lời quân đội Nga cho biết: "Một giai đoạn phối hợp chiến đấu của các sư đoàn, kíp chiến đấu, tiểu đội tại các đơn vị cơ giới đã hoàn thành. Hơn 10.000 quân nhân sẽ hành quân rời khu vực diễn tập vũ khí tổng hợp".
Thông tin về việc quân đội Nga rút khỏi biên giới Ukraine được đưa ra sau hơn hai tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận qua điện thoại trong hơn hai giờ.
Khi đó, ông Biden cảnh báo ông Putin phải bỏ ý định tấn công Ukraine nếu không muốn chịu hậu quả về kinh tế-an ninh, còn ông Putin yêu cầu Mỹ hứa không dồn quân đến gần Nga. Tổng thống Biden cũng được cho là đã trình bày lựa chọn hạ nhiệt tình hình thông qua các kênh ngoại giao với Mỹ và các quốc gia châu Âu.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 21-12 cho thấy quân đội Nga triển khai tại khu vực huấn luyện Kursk, Nga. Ảnh: Maxar
Về phía Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, ông đã thực hiện cuộc gọi điện video với 20 thượng nghị sĩ và thành viên Quốc hội Mỹ vào ngày 24-12 để bày tỏ quan ngại về việc chuyển quân của Nga và những căng thẳng lâu nay ở khu vực phía Đông Donbas của nước này, nơi quân ly khai do Nga hậu thuẫn chiến đấu kể từ năm 2014.
Trong tháng 1-2022, các quan chức chính phủ cấp cao của Đức và Nga sẽ gặp trực tiếp nhằm nỗ lực xoa dịu căng thẳng về Ukraine. Nguồn tin chính phủ Đức tiết lộ cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và nhà đàm phán Ukraine Dmitry Kozak của Nga đã đồng ý gặp nhau sau một cuộc điện đàm kéo dài hôm 23-12.
Bình luận (0)