Thông tin do Lực lượng đặc trách quốc gia (NTF) biển Tây Philippines (cách Philippines gọi biển Đông) đưa ra vào cuối ngày 20-3. Theo đó, NTF nhận báo cáo của Lực lượng cảnh sát biển Philippines (PCG) ghi nhận khoảng 220 tàu, được cho do lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc điều khiển, đã neo đậu tại một rạn san hô trên biển Đông hôm 7-3.
Khi được hỏi liệu có gửi phản đối sự hiện diện của tàu Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết sẽ làm như vậy "nếu các tướng lĩnh yêu cầu". Theo ông Teodoro Locsin, chính sách đối ngoại là "nắm đấm trong găng tay bọc sắt" của lực lượng vũ trang.
Philippines cho biết họ phát hiện hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu tại một rạn san hô trên biển Đông. Ảnh: Reuters
Các quan chức đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc này. Ảnh: Reuters
NTF cũng bày tỏ lo ngại về đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường biển, cũng như nguy cơ an ninh hàng hải. Tuy nhiên, "dù thời tiết thuận lợi vào thời điểm đó, các tàu Trung Quốc tập trung ở rạn san hô không có bất kỳ động thái đánh bắt nào và đã bật đèn trắng suốt đêm", tuyên bố của NTF nêu rõ.
Theo Reuters, Philippines cam kết sẽ theo dõi sát sao tình hình và "theo đuổi một cách hòa bình, chủ động những sáng kiến bảo vệ môi trường, an ninh lương thực và tự do hàng hải" trên biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận, các cuộc gọi đến đại sứ quán Trung Quốc tại Manila của Reuters cũng không được trả lời.
Một tòa án quốc tế năm 2016 đã vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc với 90% biển Đông nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết. Trung Quốc nhiều năm nay đã xây đảo nhân tạo phi pháp trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thậm chí xây đường băng tại một số trong đó.
Mỹ đã nhiều lần lên án các nỗ lực của Trung Quốc như hành vi "bắt nạt" nước láng giềng cạnh tranh lợi ích trong khi Bắc Kinh chỉ trích Washington can thiệp vào khu vực.
Bình luận (0)