Đáng chú ý, khoảng 2.330 nhân viên hàng không, trong đó có nhân viên kiểm soát không lưu, đã tham gia cuộc đình công, khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy trong ngày. Một số chuyến bay trong ngày 6-8 cũng đã bị hủy. Trong khi đó, hoạt động giao thông đường sắt cũng gián đoạn hôm 5-8 khi đám đông biểu tình ngăn tàu rời ga, ném vật cản xuống đường ray. Theo CNN, cuộc đình công lần này còn có sự tham gia của giáo viên, nhân viên cứu hộ tại bãi biển, nhân viên an ninh, công nhân xây dựng…
Các cuộc biểu tình mới cũng diễn ra tại một số khu vực ở Hồng Kông hôm 5-8 theo sau đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát vào cuối tuần rồi. Cùng ngày, người phát ngôn cảnh sát cho biết họ đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông sau nhiều lần cảnh báo.
Cũng theo phát ngôn viên này, tổng cộng 420 người đã bị bắt kể từ khi làn sóng biểu tình nổ ra vào ngày 9-6 liên quan đến dự luật dẫn độ, theo đó cho phép nghi phạm bị đưa sang Trung Quốc đại lục. Những người bị bắt trong độ tuổi 14-76 và đối mặt một loạt cáo buộc như bạo loạn, tụ tập trái phép, sở hữu vũ khí tấn công, cản trở hoạt động của cảnh sát… Các vụ đụng độ đã khiến 139 cảnh sát bị thương và tình trạng bạo lực đã leo thang khi người biểu tình sử dụng cả bom xăng và phóng hỏa.
Cảnh sát bắn hơi cay về phía người biểu tình ở Hồng Kông hôm 5-8. Ảnh: Reuters
Trước sức ép của đám đông biểu tình, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rằng dự luật dẫn độ "đã chết" nhưng không sử dụng cụm từ "rút lại hoàn toàn". Dù vậy, phe biểu tình tuyên bố sẽ không dừng lại cho đến khi các đòi hỏi của họ được đáp ứng, như bãi bỏ mọi cáo buộc nhằm vào những người biểu tình đã bị bắt giữ, hủy bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ, tiến hành cuộc điều tra độc lập về "hành vi bạo lực" của cảnh sát, bà Lâm phải ra đi…
Đáp lại, nhà lãnh đạo Hồng Kông hôm 5-8 tuyên bố sẽ không từ chức, đồng thời khẳng định các cuộc biểu tình bạo lực đã đẩy đặc khu hành chính này "đến bờ vực của một tình huống cực kỳ nguy hiểm" bởi chúng đang diễn ra với "những động cơ ngầm" nhằm hủy hoại an ninh và thịnh vượng của địa phương.
"Tôi không nghĩ tình hình sẽ khá hơn nếu tôi hoặc một vài đồng nghiệp của tôi từ chức vào thời điểm này" - bà Lâm khẳng định tại cuộc họp báo đầu tiên của mình trong hơn 2 tuần qua, đồng thời cho rằng các cuộc biểu tình đã làm tổn thương kinh tế địa phương.
Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 4-8 đã phát đi thông điệp cảnh báo đến người biểu tình ở Hồng Kông khi nhấn mạnh Bắc Kinh "sẽ không ngồi im và để tình hình tiếp diễn". Dù vậy, chỉ huy lực lượng cảnh sát Hồng Kông nhấn mạnh hiện chưa cần triển khai binh sĩ Trung Quốc để giúp duy trì trật tự tại đây.
Bình luận (0)