Động thái trên được bà Carrie Lam tiết lộ hôm 20-3, chỉ vài ngày sau khi thừa nhận rằng nhiều tổ chức tài chính đã "mất kiên nhẫn" với các chính sách Covid-19 ở Hồng Kông, theo Reuters.
Hồng Kông đang là một trong những nơi áp dụng qui tắc phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt nhất thế giới. Đặc khu này áp lệnh cấm các chuyến bay đến từ 9 quốc gia, bao gồm cả Úc và Anh, đồng thời yêu cầu cách ly lên đến hai tuần đối với du khách quốc tế.
Chính quyền của bà Carrie Lam cũng đã ban hành lệnh cấm tụ tập nhiều hơn 2 người, trong khi hầu hết các tụ điểm công cộng đều phải đóng cửa, bao gồm cả bãi biển và sân chơi. Cư dân Hồng Kông bắt buộc phải đeo khẩu trang và học sinh không được đến trường học trực tiếp.
Hồng Kông vốn theo đuổi chính sách “zero Covid” nhằm dập tắt tất cả các đợt dịch nhưng các hành động chưa hiệu quả. Ảnh: Reuters.
Giới chức Hồng Kông hôm qua (19-3) báo cáo có 16.597 trường hợp nhiễm mới Covid-19 - mức thấp nhất trong ba tuần qua, giảm so với hơn 20.000 ca một ngày trước nữa. Đợt bùng phát vừa qua khiến ngành y tế Hồng Kông rơi vào trạng thái quá tải, nó cũng làm tê liệt nhiều nơi trên khắp đặc khu.
Trong những tuần gần đây, các đường phố ở Hồng Kông yên lặng một cách kỳ lạ, các nhà hàng và quán bar đóng cửa hoặc chẳng thấy một bóng người. Các kệ hàng trong siêu thị cũng trống trơn khi mọi người tranh thủ mua sắm hàng hóa về dự trữ, do lo ngại việc phong tỏa đặc khu.
Việc các cơ sở kinh doanh trên khắp thành phố khoảng 7,5 triệu dân buộc phải đóng cửa khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, phải vay mượn tiền để sống. Do đó, họ mong mỏi chính quyền cần xem xét giảm bớt các lệnh hạn chế Covid-19 như đã áp dụng trong thời gian qua.
Hồng Kông vốn theo đuổi chính sách "zero Covid" như Trung Quốc đại lục, nhằm mục đích dập tắt tất cả các đợt bùng phát dịch bệnh.
Tuy nhiên, các hành động và điều chỉnh chính sách gần đây cho thấy đặc khu hành chính này đang xoay chuyển khỏi chiến lược đó vào thời điểm hầu hết các thành phố lớn khác trên toàn cầu đang học cách sống chung với vi-rút SARS-CoV-2.
Bình luận (0)