Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 22-11 cùng lãnh đạo cấp cao các nước tham dự phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề "Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu" của Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) theo hình thức trực tuyến.
Trước đó, trong phiên thảo luận đầu tiên của hội nghị về chủ đề "Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác đa phương để đẩy lùi dịch Covid-19, trong đó đánh giá cao những kết quả quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19 của các nước G20, nhất là thúc đẩy phối hợp chính sách vĩ mô trong phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã cùng các nước ASEAN và đối tác đề cao tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng", thực hiện mạnh mẽ các biện pháp ứng phó dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, duy trì đà hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025. Để vượt qua đại dịch và phục hồi bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần chủ động thích ứng trong giai đoạn "bình thường mới", triển khai đồng bộ và hài hòa phục hồi kinh tế đi đôi với bảo đảm phòng chống dịch.
Về hợp tác y tế, theo TTXVN, Thủ tướng nhấn mạnh cần có cách tiếp cận bình đẳng và chi phí phù hợp với vắc-xin và thuốc đặc trị Covid-19, theo đó đề nghị các nước G20 xây dựng thỏa thuận sản xuất vắc-xin với các đối tác trên toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ cùng với bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vắc-xin ở quy mô lớn.
Về kinh tế, Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế...; ủng hộ hội nhập, tham gia thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm với Tổ chức Thương mại thế giới là trung tâm. Thủ tướng đề nghị G20 tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hình thành các khung khổ, thỏa thuận, quy tắc toàn cầu trong quản trị nền kinh tế số.
Năm nay, do tác động của dịch Covid-19 nên các hội nghị của G20 kể từ tháng 3 đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Với chủ đề "Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho tất cả mọi người", Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong 2 ngày 21 và 22-11 đã tập trung thảo luận các biện pháp đưa kinh tế thế giới vượt qua "cơn bĩ cực" mang tên Covid-19 và tiếp tục phát triển.
Thời gian qua đã chứng minh G20 không chỉ là diễn đàn của các cam kết chính trị, mà còn là nơi thúc đẩy các sáng kiến hành động thực chất và hiệu quả, với các mục tiêu rõ ràng. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 mới đây đã cam kết "làm mọi thứ" để hỗ trợ sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu; nhất trí gia hạn thêm 6 tháng đối với Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất thế giới năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4-2021... Đến nay, các nước thành viên G20 đã đóng góp hơn 21 tỉ USD để tài trợ cho y tế toàn cầu.
Phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương
Năm nay, là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam được nước Chủ tịch G20 Ả Rập Saudi mời tham gia các hội nghị quan trọng của G20. Sự tham gia của Việt Nam vào G20 tiếp tục khẳng định các nỗ lực chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương nói chung.
Việc Việt Nam thường xuyên được mời tham dự các hội nghị của G20 những năm gần đây cũng cho thấy vai trò, vị trí và uy tín của Việt Nam ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam đóng góp hơn nữa vào nỗ lực chung toàn cầu nhằm ngăn chặn Covid-19 với tư cách một quốc gia đã khống chế và kiểm soát thành công đại dịch, được thế giới đánh giá cao; khẳng định hình ảnh đất nước phát triển năng động, khả năng thích ứng, cởi mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Bình luận (0)