Điều này thể hiện rõ qua việc các nhà lãnh đạo nước ngoài công khai bác bỏ lập luận của Washington, theo đó Huawei là hiểm họa an ninh không thể kiểm soát được.
Anh là một trong những nước như thế bất chấp Mỹ đe dọa ngưng chia sẻ thông tin tình báo với bất kỳ nước nào sử dụng thiết bị Huawei trong mạng của họ.
London xem ra vẫn chưa trả giá cho quyết định để Huawei tham gia hạn chế vào việc phát triển mạng không dây thế hệ mới (mạng 5G) dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà chức trách tại Anh. Giờ đây, Đức dường như sẵn sàng đi theo con đường tương tự ngay cả khi một loạt quan chức Mỹ đưa ra cảnh báo, lời đe dọa tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần rồi.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về Huawei khiến nhiều nước châu Âu lâm vào thế khó. Ảnh: Reuters
Trong các bài phát biểu công khai và tại các cuộc thảo luận riêng tư, cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper của Mỹ đều tiếp tục cảnh báo về "mối đe dọa" của việc để một công ty Trung Quốc tham gia các mạng đang kiểm soát những hoạt động thông tin liên lạc quan trọng.
Theo hai quan chức Mỹ trên, một bước đi như thế sẽ cho phép Bắc Kinh khả năng do thám hoặc đánh sập các mạng này khi xảy ra xung đột.
Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về Huawei khiến nhiều nước đồng minh của Washington ở châu Âu lâm vào thế khó. Họ buộc phải lựa chọn giữa việc phớt lờ cảnh báo của Mỹ hoặc chọc giận Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng.
Sau khi nhận thấy hướng tiếp cận trên không phát huy tác dụng ở châu Âu, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chuyển sang mục tiêu "làm tê liệt" Huawei bằng cách ngăn công ty này tiếp cận những công nghệ Mỹ mà họ đang cần.
Điện thoại thông minh của Huawei tại một sự kiện công nghệ ở TP Munich - Đức vào năm ngoái. Ảnh: AP
Ngoài ra, theo Reuters, chính quyền ông Trump đang xem xét thay đổi quy định để cho phép ngăn các công ty, như TSMC của Đài Loan, cung cấp chip cho Huawei.
Theo đề xuất, Washington sẽ buộc các công ty nước ngoài có sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ tìm kiếm giấy phép trước khi cung cấp chip cho Huawei.
Một bước đi như thế sẽ là một đòn mạnh giáng vào cả Huawei, hiện là hãng điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, lẫn những hãng chip như TSMC.
Đề xuất trên là một trong những lựa chọn được đưa ra xem xét tại các cuộc gặp của giới chức cấp cao Mỹ trong tuần này và tuần tới. Dù vậy, một nguồn tin nói thêm rằng vẫn còn quá sớm để nói liệu đề xuất về chip có được thông qua hay không.
Một bước đi khác là tìm cách lập ra một đối thủ Mỹ - Âu có thể cạnh tranh với Huawei.
Cho đến giờ, hai công ty có thể là đối thủ thật sự của Huawei là Nokia và Ericsson. Hai doanh nghiệp châu Âu này tuyên bố đã triển khai nhiều mạng 5G hơn Huawei nhưng lại gặp khó trong cuộc chiến về giá với Huawei hoặc theo kịp tốc độ nghiên cứu, phát triển của công ty Trung Quốc này.
Một số quan chức Mỹ đã đề xuất lập ra một công ty có thể cạnh tranh sòng phẳng với Huawei. Một ý tưởng khác từ Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr là Mỹ nên thâu tóm Nokia và Ericsson. Riêng ông Trump thúc giục công ty Mỹ tham gia cuộc đua nhằm đánh bại đối thủ Trung Quốc.
Bình luận (0)