Cảnh báo được đưa ra sau khi Hungary chặn gói viện trợ quân sự mới trị giá 500 triệu euro (544 triệu USD) từ Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF).
Quyết định chặn gói viện trợ thứ 8 từ quỹ có trị giá 5,6 tỉ euro (6,08 tỉ USD) này, vốn để chi tài trợ cho quân đội nước ngoài và bồi hoàn cho các thành viên chấp nhận gửi vũ khí cho các cuộc xung đột ở nước ngoài - được Bộ trưởng Ngoại giao Hungary lý giải bởi "thái độ ngày càng thù địch của Kiev đối với Budapest".
Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái, EPF chỉ được sử dụng để cung cấp thiết bị phi sát thương cho Georgia, Mali, Moldova, Mozambique và Ukraine - với tổng số tiền chưa đến 125 triệu USD.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, quỹ này đã chuyển phần lớn tiền viện trợ cho Ukraine với 7 gói liên tiếp đã được thông qua.
"Công bằng mà nói thì chúng tôi chịu đủ rồi" – RT dẫn phát biểu của ông Szijjarto trong cuộc họp báo diễn ra tại Vienna – Áo hôm 17-5.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Anadolu
Cũng trong họp báo, Bộ trưởng Szijjarto đã chỉ rõ một số vấn đề nổi cộm giữa Budapest và Kiev - bao gồm quyết định của Ukraine bổ sung ngân hàng cho vay lớn nhất của Hungary OTP Bank Nyrt vào danh sách "các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế" vì OTP Bank Nyrt duy trì quan hệ kinh doanh với Nga.
"OTP Bank Nyrt không vi phạm bất kỳ luật nào ở Ukraine, không vi phạm bất kỳ luật quốc tế nào, cũng như không vi phạm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào" – Bộ trưởng Ngoại giao Hungary nhấn mạnh và quả quyết – "Chừng nào Kiev còn giữ OTP Bank Nyrt trong danh sách các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế thì Budapest không thể ủng hộ các quyết định đòi hỏi sự hy sinh kinh tế và tài chính mới từ phía EU và các quốc gia thành viên".
Các vấn đề khác được nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary liệt kê còn bao gồm các báo cáo gần đây về cáo buộc chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky lên kế hoạch nhằm cho nổ tung một đường ống dẫn dầu nối Nga với Hungary qua lãnh thổ Ukraine, cũng như việc Kiev hạn chế quyền giáo dục đối với người dân tộc thiểu số Hungary đang sinh sống tại Ukraine.
"Việc Kiev hạn chế quyền giáo dục đối với người dân tộc thiểu số Hungary là một vấn đề lớn trong quan hệ song phương trong nhiều năm" – ông Szijjarto nói thêm. Phía Budapest cho rằng quyền của người dân tộc thiểu số Hungary đã bị vi phạm, còn Kiev nhiều lần cáo buộc Budapest can thiệp vào công việc nội bộ, trong đó có việc cấp hộ chiếu cho người dân tộc Hungary ở Ukraine.
Hungary có lập trường trung lập về cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, họ đã từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev hoặc cho phép quá cảnh từ lãnh thổ nước này.
Budapest cũng liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt chống Nga của EU, đặc biệt là những biện pháp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của chính Hungary, bao gồm cả các lĩnh vực năng lượng hạt nhân và truyền thống.
Bình luận (0)