Ông Marchenko cho biết các bộ trưởng tài chính của Nhóm G7 (gồm 7 nước có nền kinh tế phát triển Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp và Ý) đã đảm bảo với ông rằng sẽ sát cánh cùng Ukraine.
Đề cập khoản vay 4 năm trị 15,6 tỉ USD (là một phần của gói viện trợ quốc tế trị giá 115 tỉ USD) mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phê duyệt cho Ukraine cuối tháng 3, ông Marchenko nhấn mạnh đây là khoản vay "vô cùng" quan trọng đối với Ukraine.
Ông Marchenko nói với hãng tin Reuters: "Điều này giúp chúng tôi rất nhiều vì nó mang lại sự chắc chắn rằng IMF, G7 và những người ủng hộ sẽ hỗ trợ Ukraine trang trải nhu cầu trong 4 năm. Hỗ trợ tài chính cũng cần thiết như hỗ trợ quân sự".
Ông cũng thừa nhận cuộc chiến có thể kéo dài hơn so với dự đoán.
Vũ khí và đạn dược của Mỹ chuẩn bị chuyển đến Ukraine trong năm 2022. Ảnh: Không quân Mỹ
Bộ trưởng Marchenko đánh giá cao sự hỗ trợ của Mỹ, khoảng 50 tỉ USD kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, và nói rằng ông tin rằng Quốc hội Mỹ sẽ duy trì sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Ukraine, bất chấp lời kêu gọi cắt giảm hỗ trợ của một số đảng viên Cộng hòa.
Theo ông Marchenko, các nước hỗ trợ Ukraine đang dần "cởi mở hơn" trong việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để chi trả cho việc tái thiết Ukraine.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 15-4 lên tiếng cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN rằng có những ràng buộc pháp lý đối với ý tưởng chuyển tài sản của Nga đang bị đóng băng cho Ukraine phục vụ công cuộc tái thiết.
Trong diễn biến khác, chính phủ Ba Lan, Hungary đều đưa ra các lệnh tạm cấm nhập khẩu ngũ cốc và các loại thực phẩm khác của Ukraine để bảo vệ ngành nông nghiệp địa phương.
Sau khi xảy ra xung đột với Nga, một lượng lớn ngũ cốc của Ukraine đã bị chặn lại ở các cảng biển Đen, do vậy có giá rẻ hơn so với sản xuất. Sau đó, ngũ cốc thường được xuất khẩu qua đường bộ sang các nước láng giềng như Ba Lan và Hungary, dẫn đến làm ảnh hưởng đến giá cả và công việc của nông dân địa phương. Nông dân đã phản đối buộc bộ trưởng nông nghiệp Ba Lan phải từ chức.
Cả Ba Lan lẫn Hungary cho rằng nếu không cấm nhập ngũ cốc Ukraine, sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp hai nước.
Cửa khẩu biên giới Ukraine - Ba Lan ở vùng Lviv, Ukraine. Ảnh: Reuters
Lệnh tạm cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine của Ba Lan và Hungary đều kéo dài đến ngày 30-6. Ba Lan áp dụng với ngũ cốc, đường, thịt, trái cây và rau, sữa, trứng và các hàng hóa khác. Hungary cấm ngũ cốc, hạt có dầu và một số sản phẩm nông nghiệp khác.
Chính phủ Hungary cho biết họ hy vọng sẽ có những thay đổi trong quy định ở cấp Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả việc xem xét lại việc loại bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm của Ukraine.
Phía Ukraine lấy làm tiếc về quyết định của Ba Lan và Hungary. Theo chính quyền Kiev, dù hiểu rằng nông dân Ba Lan, Hungary gặp khó khăn nhưng nông dân Ukraine là người đối mặt với những khó khăn lớn nhất do xung đột với Nga. Ukraine đề nghị các bên đi đến một thỏa thuận mới hợp lý hơn.
Bình luận (0)