Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ASEAN 31) và các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Canada, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - EU, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ tại thủ đô Manila - Philippines hôm 14-11.
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Canada hôm 14-11 Ảnh: REUTERS
Theo TTXVN, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cơ chế ASEAN+3 cần hướng hợp tác vào tăng trưởng kinh tế khu vực, đặc biệt là thương mại, tài chính, cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối và nâng cao năng lực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Thủ tướng cũng kêu gọi các nước thành viên ASEAN+3 đẩy mạnh hợp tác trong ứng phó các thách thức an ninh mới nổi, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và dịch bệnh... Thủ tướng cũng chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhấn mạnh lập trường nhất quán của ta về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và khẳng định lại lập trường đã được ASEAN thống nhất về biển Đông.
Trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới, lãnh đạo các nước ASEAN+3 thúc đẩy sự hội nhập kinh tế và khu vực. Theo tờ Straits Times, mỗi nhà lãnh đạo có tầm nhìn khác nhau về một Cộng đồng Đông Á (hay Cộng đồng Kinh tế Đông Á) nhưng tất cả đều thống nhất quan điểm là phải làm việc cùng nhau. "Tôi hy vọng thông qua hội nghị cấp cao này, chúng ta có thể xây dựng sự đồng thuận và phát đi tín hiệu tích cực rằng sự hội nhập khu vực và thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế Đông Á phục vụ lợi ích cho người dân và các nước trong khu vực" - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng kêu gọi xây dựng một Cộng đồng Đông Á hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ, vượt qua những thách thức phức tạp, như chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề lão hóa dân số và biến đổi khí hậu... Riêng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi hợp tác tài chính để tăng cường sức mạnh các nền kinh tế của khu vực.
Còn tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện 10 nước ASEAN cùng với Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ, tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên là nội dung thảo luận hàng đầu, bên cạnh những vấn đề nóng khác như di cư, môi trường, xung đột vũ trang...
Theo Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi nỗ lực chung toàn khu vực để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố của hội nghị thúc giục tất cả các nước thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Triều Tiên, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo.
Cùng ngày, trả lời phóng viên bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 31, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết khối này có kế hoạch chỉnh sửa nguyên tắc đồng thuận để có thể dễ dàng đưa ra quyết định về hợp tác kinh tế và những vấn đề không nhạy cảm khác.
Theo Hiến chương ASEAN hiện nay, mọi quyết định được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của toàn bộ thành viên. Điều này có nghĩa chỉ cần 1 thành viên không đồng ý cũng có thể ngăn ASEAN có lập trường chung về một vấn đề nào đó. "ASEAN cần phản ứng kịp thời và hiệu quả hơn" - ông Lê Lương Minh thông tin nhưng nói thêm các vấn đề chính trị nhạy cảm vẫn cần sự nhất trí của tất cả thành viên.
Bình luận (0)